Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ

18:29 13/04/2020

(HMC) – Chiều 13/4, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ngành; TP. Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội tại các điểm cầu địa phương. Tham dự tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm cùng đại diện một số Sở, ngành.

 Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến - Ảnh: Thống Nhất (TTXVN)

Không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới tại “ổ dịch” Bạch Mai và quán bar Buddha

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia, tính đến 12 giờ ngày 13/4, tại Việt Nam ghi nhận 262 trường hợp mắc, trong đó 10 trường hợp ghi nhận tại ổ dịch thuộc thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội; không ghi nhận trường hợp mắc mới liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh và quán bar Buddha (TP. Hồ Chí Minh).

Có 144 trường hợp đã khỏi bệnh; 116 bệnh nhân đang được điều trị tại 14 cơ sở khám, chữa bệnh; 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161), riêng bệnh nhân 91 (phi công người Anh) tiên lượng rất nặng.

Trong thời gian từ 1-12/4, ghi nhận thêm 53 trường hợp mắc mới (chỉ 40% số mắc so với 12 ngày trước đó). Một số ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát như ổ dịch liên quan Công ty Trường Sinh, Bệnh viện Bạch Mai (đã dỡ cách ly kể từ 0h ngày 12/4/2020) và quán bar Buddha. Tuy nhiên đã ghi nhận 24 trường hợp mắc mới trong cộng đồng, trong đó đáng chú ý có 10 trường hợp tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Trong 3 ngày đầu tháng 4 ghi nhận 13/24 ca tại cộng đồng nhưng sau đó chỉ còn ghi nhận 1 đến 2 ca mỗi ngày cho đến nay.

Đối với ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Sở Y tế Hà Nội đã điều động 15 đội phản ứng nhanh hỗ trợ khoanh vùng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm từ ngày 12/4/2020, đã tiến hành lập 9 chốt kiểm soát tại khu vực ổ dịch, tiến hành khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 10.872 người (2.973 hộ dân) từ ngày 8/4/2020 đến hết ngày 5/5/2020 (28 ngày).

Ban Chỉ đạo cho rằng, trong thời gian tới chính quyền và người dân phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, không được lơ là, chủ quan; kiên định với chiến lược chống dịch đã đề ra (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch); phát hiện sớm những ca nhiễm trong cộng đồng, triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, hoàn thiện các phác đồ điều trị bệnh nhân, cập nhật các phương án chống dịch và bảo đảm nguồn lực (vật tư, trang thiết bị, nhân lực) cho phòng, chống Covid-19.

TP. Hồ Chí Minh kiến nghị kéo dài cách ly xã hội đến hết 30/4/2020

Phát biểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng: Hiện nay dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu. Đặc biệt trong cộng đồng vẫn còn tồn tại những người nhiễm nhưng chưa có biểu hiện, triệu chứng.

Hiện Thành phố (TP) có 54 ca nhiễm, 32 ca phát hiện tại các quận huyện và 12 trong các khu cách ly sau khi nhập cảnh vào TP. Phân tích yếu tố dịch tễ cho thấy có 19 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 35 ca từ nước ngoài. Trong đó có 40 đã khỏi, 14 ca đang điều trị.

Đặc biệt, từ khi thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 thì TP có 10 ngày không có ca nhiễm mới. Hiện TP chỉ còn 240 trường hợp đang cách ly, đây là những người tiếp xúc gần với các ca bệnh sau cùng của Thành phố.

Để thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ, TP đang thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch, với tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Đảm bảo kiên định 6 nguyên tắc chống dịch và 5 phương châm tại chỗ.

Từ ngày 28/3 đến nay, TP đã xử phạt 4.360 trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng. Tiến hành kiểm tra một số công ty phần mềm như FPT, Intel để kiểm tra tình hình chấp hành nguyên tắc phòng chống dịch cũng như tìm hiểu khó khăn của doanh nghiệp.

Từ ngày 5/4 đến nay, TP đã tiến hành 62 trạm chốt, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đã kiểm tra 182.000 xe ô tô, xe máy; kiểm tra 299.000 người. Phát hiện 305 trường hợp có thân nhiệt cao, nghi nhiễm 2 trường hợp và đã đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.

TP cũng tổ chức xét nghiệm cho 1.295 công nhân tại các khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Kết quả có 411 trường hợp âm tính, 884 trương hợp đang chờ kết quả.

TP cũng triển khai Bảng cam kết tuân thủ quy định phòng chống dịch và Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus corona tại doanh nghiệp. Trong đó, với trường hợp công ty PouYouen thì doanh nghiệp tự đánh giá 52% theo Bộ chỉ số nhưng Thành phố giao các cơ quan chức năng đánh giá thì 91% rủi ro; lần thứ 2 công ty tiếp tục khắc phục nhưng vẫn chưa đảm bảo, tới 81% rủi ro. Trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế và các sở chuyên ngành, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty PouYuen Việt Nam từ 0 giờ, ngày 14/4/2020 đến hết ngày 15/4/2020.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng, về cơ bản TP đã không xuất hiện ca nhiễm nào tại cộng đồng từ ngày 03/4/2020 đến nay. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn còn cao, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đã quy định. Việc giao thương đi lại từ Hà Nội và các tỉnh thành vào TP vẫn còn nhiều, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người vào TP. “Do vậy, những kết quả ban đầu mà chúng ta đã đạt được chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng” – Chủ tịch Phong nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, TP sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, nhất là làn sóng thứ 2 lây nhiễm, trong đó tập trung vào công tác dự phòng. TP sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ bằng xét nghiệm kiểm tra sau 5 ngày, 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà đủ 14 ngày đối với người bệnh sau xuất viện; xét nghiệm kiểm tra nhóm người tiếp xúc gần có nguy cơ cao và những trường hợp từ nơi khác vào TP. Đặc biệt là những trường hợp người nước ngoài.

Việc tầm soát mở rộng trong cộng đồng được TP triển khai có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trãi, nhằm mục đích dự phòng, phát hiện sớm ca bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân. TP chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên ưu tiên nhận người bệnh nặng, cấp cứu, chuyển tuyến; hạn chế tối đa nhận các trường hợp khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được.

Bên cạnh đó, TP tổ chức hậu kiểm việc cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp. Trường hợp không đảm bảo các yêu cầu thì tạm dừng hoạt động theo đúng Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2601.

Đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch: Tổ chức lại các Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch tại UBND phường, xã, thị trấn thành nhiều Tổ để thực hiện tuần tra, giám sát việc tuân thủ cách ly xã hội; Xử phạt đối với những người không đeo khẩu trang nơi công cộng.; Giãn cách mật độ mua sắm tại các chợ truyền thống để không tập trung đông người; Giãn cách mật độ người dân tập thể dục thể thao tại các công viên.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh cần quan tâm đến công tác phòng, chống dịch tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà trọ, nhà tạm bợ, nhà ven kênh rạch. Tổ chức ký cam kết phòng, chống dịch đối với các chủ nhà trọ và có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn.

Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh: TP sử dụng robot để lau dọn, phun thuốc khử trùng, vận chuyển đồ ăn và thuốc men tại các khu cách ly; Đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt; Khuyến khích người dân thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện,… trên Cổng dịch vụ công.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch và Nghị quyết của HĐND TP về một số chế độ chi phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch với tổng kinh phí là 2.700 tỷ đồng.

Để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tình hình dịch bệnh, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4/2020 với tinh thần kiên định, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu - Ảnh: Thống Nhất (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu - Ảnh: Thống Nhất (TTXVN)

Đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Thành phố đã thực hiện rất nghiêm túc và có những giải pháp sáng tạo. Thủ tướng đánh giá cao việc Thành phố sớm ban hành và triển khai Bộ Chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm virus corona trong doanh nghiệp; việc ứng dụng công nghệ cũng như nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu của các đơn vị. 

Tập trung tuyên truyền để người dân thực hiện tốt Chỉ thị 16

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã phân tích, đánh giá diễn biến hình dịch bệnh bệnh và thống nhất cho rằng trong thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát được tình hình dịch, tuy nhiên, dự đoán diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn lớn; nếu nới lỏng, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Do vậy, cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu, việc rà soát các trường hợp liên quan đến ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống COVID-19.

Thời gian đầu việc thực hiện cách ly toàn xã hội (giãn cách xã hội) theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện tốt, nhưng những ngày gần đây có hiện tượng người dân chủ quan, ra đường đông hơn. 

Thông tin thêm về tình hình này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo kết quả giám sát từ phần mềm được Viettel thực hiện để đo lường sự tập trung đông người, đo lường sự đi lại thì sau khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, việc đi lại của người dân giảm mạnh nhất là ngày 2/4. Tuy nhiên, đến ngày 10/4, số người ra đường, đi lại nhiều hơn. Trong đó, Hà Nội đang từ mức 1 lên 1,6 và Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 1,8 và có xu thế tăng lên.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp để người dân thực hiện nghiêm các quy định.  Trước hết, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 15/4; các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện tốt các quy định về cách ly xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, điển hình là trích xuất camera để phạt nguội và phát trực tiếp các trường hợp không đeo khẩu trang khi đi ra đường, tụ tập đông người...

Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục