Đề cao nội lực, chú trọng thị trường nội địa để phục hồi kinh tế

15:26 04/09/2020

(HMC) - Điểm lại một số kết quả nổi bật về tình hình tháng 8 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay (04/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị cho kỳ họp cũng như các ý kiến trao đổi tại phiên họp và cho rằng, tình hình tháng 8 có những chuyển biến tích cực, những điểm sáng trên các lĩnh vực là động lực cho sự phục hồi kinh tế - xã hội hiện nay và giai đoạn tới.

Đề cao nội lực, chú trọng thị trường nội địa để phục hồi kinh tế
Chính phủ tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 8. Ảnh: VGP

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đến nay, chúng ta đã chỉ đạo kiểm soát tốt tình hình trong khi trên thế giới, trong ngày hôm qua, có 220.000 ca mắc mới. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan trước dịch bệnh nhưng cũng không thể đóng cửa, không lo sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Cần có các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cả cung và cầu.

Nhắc lại yêu cầu không chủ quan với dịch bệnh, đồng thời chú trọng phát triển kinh tế, Thủ tướng cho biết, “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm đầu về tăng trưởng. Theo dự báo của mới đây của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong dịch COVID-19, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng dương trong năm 2020.

Trên bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong tổng số 131 quốc gia và nền kinh tế. Đây là thành tựu quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức được đặt ra như: sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, thương mại và dịch vụ có xu hướng giảm do dịch Covid-19 quay trở lại; nguy cơ nhiều việc làm bị mất, nhất là tại đô thị; tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế… Điều đó đòi hỏi chúng ta phải sớm có giải pháp hỗ trợ phù hợp - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước tiên, về phòng chống dịch bệnh, chúng ta kiên quyết phát hiện nhanh, khoanh vùng, dập dịch thành công; thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của ngành Y tế như: đeo khẩu trang, vệ sinh khử khuẩn,… xây dựng văn hóa ứng xử trong dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đông người.

Thứ hai, về mục tiêu phục hồi, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, chúng ta thu hút đầu tư được gần 20 tỷ USD là sự cố gắng rất lớn, nhưng đã có dấu hiệu chững lại, giảm so với cùng kỳ. Vì vậy, trên tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu cần có các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cả cung và cầu.

Chính sách tiền tệ, tài khóa cần phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, áp dụng những mô hình, phương thức mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong trạng thái “bình thường mới”.

Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có; đẩy mạnh xuất khẩu gắn với kích cầu tiêu dùng nội địa. Đặc biệt thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, các Bộ trưởng cần tập trung hơn vào vấn đề này.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành quý III, IV/2020 và năm 2021 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội. Trong đó, lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 dự kiến khoảng 6 - 6,5%.

Chúng ta cần khắc phục những khiếm khuyết của nền kinh tế bằng những chiến lược phát triển, áp dụng ngành kinh tế số, chính quyền số ở Việt Nam; chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực có tính thời đại; chú ý sâu hơn đến nông nghiệp và nông thôn bởi đây tiếp tục là trụ lực của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp. Ảnh: VGP

Phấn đấu đạt chỉ số tăng trưởng cao nhất có thể

Theo Thủ tướng, muốn đẩy mạnh xây dựng và phát triển nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng ngoài nước thì phải đề cao nội lực, chú trọng thị trường nội địa với 100 triệu dân. Không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta cần quan tâm hơn đến các doanh nghiệp lớn, những cánh chim đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư để thu hút FDI có sàng lọc. Các Bộ, ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai các gói hỗ trợ hiện có. Các địa phương có thể điều chỉnh linh hoạt về khu công nghiệp, ưu tiên mở rộng hoặc xây mới, thu lại những khu công nghiệp không thể làm được, công bố khu công nghiệp sẵn sàng về quỹ đất sạch và cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, tiếp tục đôn đốc, giám sát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; nhưng không vì mục tiêu thúc đẩy giải ngân nhanh mà làm ẩu, gây lãng phí, kém hiệu quả hay báo cáo không trung thực.

Đối với đề xuất mở lại các chuyến bay thương mại, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lây lan. Ngành y tế đề xuất phương án cách ly phù hợp đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao.

Về tổ chức khai giảng năm học mới, Thủ tướng yêu cầu gọn nhẹ, an toàn, làm sao động viên thầy cô và học sinh trong năm học này.

Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn, các Bộ - ngành, địa phương cùng nỗ lực, quyết tâm cao nhất với các giải pháp điều hành sát với thực tiễn, cố gắng phấn đấu để trong 4 tháng còn lại của năm 2020 không chỉ tăng trưởng dương mà còn đạt chỉ số tăng trưởng cao nhất có thể, giữ được các cân đối lớn và giữ ổn định đời sống nhân dân.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục