Gây án liều lĩnh
Công an TP Thủ Đức (TPHCM) vừa củng cố hồ sơ bàn giao Đồng Cao Bằng (SN 1996, ngụ tỉnh Bến Tre, trú quận Bình Thạnh) cho Công an TPHCM để tiếp tục điều tra về hành vi “Cướp tài sản”.
Bằng từng có thời gian làm bảo vệ ở chung cư Xi Riverview Palace, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức và hiện là nhân viên sửa chữa, vệ sinh máy lạnh các căn hộ chung cư, trong đó có căn hộ của bà K.N. (SN 1971, quốc tịch Nhật Bản).
Biết bà K.N. ở nhà một mình nên sáng 28-1, Bằng mang ba lô đựng dao, băng keo, bao tay, bình xịt hơi cay… đến căn hộ của bà N. và đề nghị kiểm tra máy lạnh. Lợi dụng lúc bà N. không để ý, Bằng khống chế, lấy băng keo trói tay và bịt miệng bà N., rồi lục lọi lấy 7 chiếc điện thoại, 2 máy tính bảng, 1 laptop, 2 đồng hồ và nhiều tài sản khác…
Trước đó, đối tượng T.T.P.Đ. (17 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) cũng liều lĩnh thực hiện 3 vụ cướp ở cửa hàng tiện lợi bị Công an quận Tân Bình phối hợp cùng Công an quận Phú Nhuận, TPHCM bắt giữ. Đ. thường mặc áo khoác đen, mũ trùm kín đầu, đeo mắt kính, khẩu trang vào các cửa hàng tiện lợi, sau đó dùng dao uy hiếp buộc nhân viên cửa hàng mở két đựng tiền. Mới đây, dư luận rất bức xúc khi chứng kiến đoạn clip nhóm đối tượng dàn cảnh va chạm xe để cướp điện thoại của một phụ nữ đang đi đường ở quận 11, TPHCM…
Cuối năm, các đối tượng tội phạm cũng lợi dụng sơ hở của người dân để thực hiện các vụ trộm táo tợn. Ngày 25-1, bà N.T.M.N. (80 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Đồng, phường Linh Tây, TP Thủ Đức) vừa sắm 2 chậu kiểng đặt ở cổng đã bị “chôm” mất. Trước đó không lâu, anh N.V.K. (32 tuổi) đang ngủ trong nhà ở khu vực gác chắn đường ray xe lửa trên đường Phạm Văn Đồng (phường 1, quận Gò Vấp) nhưng sơ ý quên đóng cửa sổ cũng bị kẻ gian đột nhập lấy mất 2 chiếc điện thoại.
Theo cơ quan công an, hầu hết các nạn nhân mà tội phạm nhắm đến là phụ nữ do thường treo túi xách, ba lô ở xe, thường sử dụng điện thoại trên đường. Nhiều phụ nữ đeo trang sức, mang túi xách đắt tiền tại đám tiệc cuối năm, tiệc cưới hỏi, lễ hội cũng là những “con mồi” hấp dẫn.
Tích cực đề phòng
Công an TPHCM đã triển khai thực hiện đợt cao điểm bảo đảm an ninh trật tự nhân dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Tân Sửu 2021. Trong một tháng qua, Công an TPHCM đã tập trung trấn áp các loại tội phạm, khám phá hàng trăm vụ phạm pháp hình sự, bắt nhiều đối tượng, triệt phá 44 băng nhóm, bắt 142 đối tượng…
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm để mọi người nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; phát huy các đường dây nóng, nhóm Zalo để tuyên truyền phòng chống tội phạm...
Cơ quan công an khuyến cáo người dân khi đi đường không nên đeo, treo, mang túi xách, ba lô mà cất vào cốp xe; không đi vào khu vực vắng người, lúc đêm khuya. Nếu mang theo nhiều tiền, vàng hay đi rút tiền ngân hàng, các điểm ATM vào ban đêm, nên có người đi cùng. Không nghe điện thoại khi đi trên đường. Mặt khác, cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp cần hạn chế hoặc không chia sẻ thông tin cá nhân, nhất là những chuyến du lịch dài ngày trên mạng xã hội; chú ý các thủ đoạn dàn cảnh va quẹt xe, hỏi đường, hỏng xe…
Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự của chính quyền, của lực lượng công an, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác mọi lúc, mọi nơi, xây dựng lối sống đoàn kết, chung tay bài trừ tội phạm.
Cảnh giác với cuộc gọi xưng danh công an, tòa án, viện kiểm sát
Công an TPHCM vừa phát thông báo về việc người dân nâng cao cảnh giác với các đối tượng giả danh công an, tòa án, viện kiểm sát gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này có đặc điểm chung là sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiện trên màn hình), giả số điện thoại công khai của các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát và giả danh nhân viên các cơ quan tư pháp gọi vào điện thoại bàn, điện thoại di động của người dân. Đối tượng thông báo người dân có liên quan đến vụ án, chuyên án đang điều tra khiến người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân. Tiếp đó, các đối tượng tội phạm yêu cầu kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra…
|