Theo đó, nhiều sản phẩm du lịch liên kết vùng đã được đề xuất hình thành. Cụ thể, có 3 tuyến du lịch mới như sau: Thứ nhất, tuyến “Những nẻo đường phù sa” (TP. Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang – Vĩnh Long – Cần Thơ – Hậu Giang- Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau). Thứ hai, tuyến “Non nước hữu tình” (TP. Hồ Chí Minh – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng/Cần Thơ – Bạc Liêu – Cà Mau). Và tuyến thứ 3 có tên gọi là “Sắc màu vùng biên” (TP. Hồ Chí Minh – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang).
Không dừng lại ở đó, chương trình liên kết du lịch vùng tiếp tục tăng cường khảo sát, nghiên cứu và kết nối các doanh nghiệp lữ hành khai thác và phát triển các điểm đến, sản phẩm du lịch và dịch vụ liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh/thành ĐBSCL. Trong đó, sẽ tổng hợp các danh sách một số di tích văn hóa lịch sử được công nhận đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch hỗ trợ chuẩn hóa, nâng cấp để phát triển du lịch.
Ngoài ra, các vấn đề khác như xúc tiến quảng bá du lịch liên kết vùng, đào tạo nhân sự đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng cho kế hoạch và kêu gọi đầu tư cũng được thúc đẩy triển khai đồng bộ.
Về cơ cấu tổ chức, UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất, thành lập Hội đồng liên kết hợp tác và phát triển du lịch vùng TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long trên nguyên tắc tự nguyện và thống nhất theo cơ cấu: Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh là chủ tịch hội đồng. Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phụ trách du lịch là Phó chủ tịch thường trực hội đồng.
Hai Phó chủ tịch tỉnh phụ trách du lịch- Cụm trưởng cụm liên kết phía Tây và Cụm trưởng Cụm liên kết phía Đông ĐBSCL làm phó chủ tịch hội đồng.
Và các Phó chủ tịch UBND phụ trách du lịch của 11 tỉnh/thành còn lại của ĐBSCL làm thành viên.
Đồng thời thành lập Tổ giúp việc cho Hội đồng trên do giám đốc sở du lịch TP. Hồ Chí Minh và lãnh đạo, đại diện của ngành du lịch của 13 tỉnh thành chịu trách nhiệm.