Hình thành hệ thống xếp hạng nguy cơ trên cấp độ từng tỉnh, thành phố
Tại cuộc họp, sau khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Dự thảo Chỉ thị mới về công tác phòng chống Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ thông qua Chỉ thị mới tạo một khung quy định những giải pháp chung cho cả nước cũng như với các nhóm địa phương nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp, nhằm giúp các tỉnh thành không lúng túng trong công tác chỉ đạo phòng chống Covid-19.
Bước đầu hình thành hệ thống xếp hạng nguy cơ trên cấp độ từng tỉnh, thành phố. Do vậy, phải cập nhật thông tin thường xuyên để các đánh giá đảm bảo chính xác hơn đồng thời phải xuống mức sâu hơn, tức là đánh giá cấp huyện, tốt hơn nữa là cấp xã – phường thậm chí là cấp thôn - xóm để không phải thực hiện các biện pháp mạnh một cách cứng nhắc trên quy mô rộng hơn mức cần thiết.
Phó Thủ tướng dẫn chứng trường hợp trước đây cách ly ở Sơn Lôi (tỉnh Vĩnh Phúc) ở phạm vi cấp xã, bây giờ Hạ Lôi (Hà Nội) chỉ cách ly 1 thôn. Theo Phó Thủ tướng, như vậy sẽ đảm bảo vừa kiểm soát được dịch, vừa phát triển sản xuất kinh doanh.
Để đảm bảo thực hiện Chỉ thị không vướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý và đề nghị các bộ ngành, địa phương thận trọng, góp ý.
TP. Hồ Chí Minh sẽ có Bộ tiêu chí đánh giá an toàn đối với trường học, nhà hàng, khách sạn, siêu thị…
Liên quan đến việc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá nguy cơ lây nhiễm, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm virus Corona cho các doanh nghiệp. Hiện Thành phố đang triển khai Bộ chỉ số này và được các doanh nghiệp trên địa bàn rất thực hiện tốt.
Đồng chí Lê Thanh Liêm cho biết, hiện nay Thành phố có chỉ đạo bên cạnh tiêu chí đánh giá nguy cơ cần có tiêu chí đánh giá an toàn.
Thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục xây dựng Bộ tiêu chí an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường học; Sở Du lịch xây dựng bộ tiêu chí đối với nhà hàng, khách sạn; Sở Công Thương xây dựng tiêu chí đánh giá với các chợ, siêu thị. Tùy theo từng ngành nghề sẽ đánh giá nguy cơ rủi ro hay tiêu chí an toàn. Căn cứ vào khung thang điểm, các sở ngành của Thành phố sẽ xin ý kiến UBND Thành phố ban hành để triển khai thực hiện.
Phải chung sống an toàn với dịch và điều chỉnh tích cực xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chỉ đến khi nào thế giới có thuốc đặc trị, vắc xin thì mới được xem cơ bản là hết dịch. Chúng ta không thể "đóng kín cửa", dù hạn chế thì vẫn phải có giao lưu để đảm bảo mục tiêu kép.
Phó Thủ tướng khẳng định thời gian kéo dài của dịch bệnh chắc chắn không thể tính bằng tuần, phải tiếp tục chống dịch, không để dịch lan rộng, đồng thời đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế. Trong mục tiêu kép ấy, vẫn quán triệt mục tiêu phải kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Việt Nam là nước đang phát triển, phải kiểm soát không để số người mắc bệnh tăng cao gây áp lực cho ngành y tế và ảnh hưởng đến các mặt xã hội, kinh tế.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng lưu ý 3 nội dung, đó là: Kiểm soát dịch bệnh; chung sống an toàn với dịch bệnh và thúc đẩy điều chỉnh tích cực của xã hội.
Về kiểm soát dịch bệnh, phải đặt trong bối cảnh tình hình còn kéo dài, sẵn sàng với việc sẽ có những ca nhiễm mới.
Về việc chung sống an toàn với dịch bệnh, theo Phó Thủ tướng, muốn an toàn thì phải hiểu về dịch bệnh, cơ chế lây lan; thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, rửa tay, không tập trung đông người). Đây là các giải pháp đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương rà soát các công việc đảm bảo an toàn, tập trung trong các lĩnh vực như: chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; bảo đảm cho học sinh đi học lại sau khi hết dịch; giao thông vận tải; sản xuất kinh doanh...; các hoạt động trong các cơ quan công quyền... Các đơn vị, địa phương cần có văn bản hướng dẫn thực hiện an toàn phòng chống dịch.
Về thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, kể cả khi không có dịch, chúng ta cũng cần phải thay đổi nhiều mặt, dịch bệnh chính là động lực để chúng ta làm tốt hơn. Theo đó, có những lề thói, tập tục cần thay đổi trong cộng đồng, trong sinh hoạt mặc dù đã cố gắng vận động thay đổi nhưng mà vẫn chậm. Ví dụ giao thông công cộng không ngăn nắp, không xếp hàng, chen lấn, xô đẩy… hay nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội… còn xô bồ, chưa đúng với các nghi lễ; việc ăn uống mất vệ sinh theo thói quen… thì đây là dịp để chúng ta bình tĩnh nhìn lại, để thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực.
Phó Thủ tướng khẳng định nếu làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh, chung sống an toàn và điều chỉnh tích cực thì nhất định sẽ chống dịch thành công, song song đó vẫn phát triển được kinh tế- xã hội.