Đi cùng đoàn có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí Thư Quận ủy quận 1.
Tại đây, đoàn đại biểu đã dâng hương lên bàn thờ, thành kính tri ân công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với cách mạng Việt Nam.
Trong không khí đầm ấm, thay mặt đoàn đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Nên thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống thường ngày của bà Lê Nguyễn Hồng Minh (con gái cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong). Đồng chí Nguyễn Văn Nên chúc bà Lê Nguyễn Hồng Minh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của gia đình cách mạng trong xây dựng và phát triển đất nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên thăm hỏi bà Lê Nguyễn Hồng Minh. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đồng chí Lê Hồng Phong tên khai sinh là Lê Huy Dục, sau đổi là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại làng Đông, tổng Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Năm 1924, Lê Huy Doãn và những người cùng chí hướng tìm đường sang vùng Đông Bắc Thái Lan hoạt động cách mạng và đổi tên là Lê Hồng Phong. Tháng 4-1924, tại Quảng Châu, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Tâm Tâm xã - một tổ chức tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước.
Cuối năm 1924, đồng chí Lê Hồng Phong đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Dưới sự dẫn dắt của Người, đồng chí Lê Hồng Phong trở thành cán bộ ưu tú của cách mạng, một chiến sĩ cộng sản Quốc tế kiên cường. Tháng 2-1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chọn đồng chí Lê Hồng Phong và một số thanh niên ưu tú thành lập nhóm Cộng sản đoàn, sau đó trở thành nòng cốt để thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Tháng 3-1934, tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong cùng với các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt bàn kế hoạch thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng để thống nhất lãnh đạo các tổ chức Đảng, tiến tới tổ chức lại cơ quan Trung ương của Đảng. Tại hội nghị này, đồng chí Lê Hồng Phong được cử làm Thư ký của Ban Chỉ huy ở ngoài.
Tháng 6-1934, đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì Hội nghị các đại biểu tổ chức Đảng từ trong nước sang họp với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Sau cuộc họp quan trọng này, đồng chí được cử đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva (Liên Xô). Tại Đại hội, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội, được Đại hội bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và có nhiều hoạt động tích cực đóng góp cho thành công của Đại hội.
Tháng 3-1935, cũng tại Ma Cao (Trung Quốc) Đại hội lần thứ nhất của Đảng được triệu tập, đồng chí Lê Hồng Phong được Đại hội bầu làm Tổng Thư ký của Đảng (Tổng Bí thư).
Tháng 11-1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về Sài Gòn, cùng Trung ương tích cực chỉ đạo việc thực hiện chủ trương chiến lược mới của Đảng.
Ngày 22-6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt và bị kết án 6 tháng tù giam, 3 năm quản thúc, sau đó cho về giam lỏng ở quê.
Đến năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai tại quê hương, rồi đưa vào giam ở Khám Lớn (Sài Gòn) và bị kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp tra tấn, hành hạ rất dã man. Song, đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời, đồng thời tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù.
Sau nhiều tháng ngày bị tra tấn dã man, sức khỏe đồng chí suy kiệt, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào đầu tháng 9-1942. Trước khi hy sinh, đồng chí nhắn nhủ đồng đội: "Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng".