Không chỉ sức mua khá tốt, còn tiếp tục tăng trong 2 ngày cuối tuần, nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ còn ký kết được hợp đồng tiêu thụ với các hệ thống siêu thị, các đối tác tại TP.HCM.
Đặc sản chất lượng cao hút hàng
Dự kiến đem một ít hàng lên hội chợ với nhiệm vụ tìm kiếm đối tác là chính, nhưng chỉ sau hai ngày đầu của chương trình, gian hàng của bà Thảo, Làng đặc sản An Giang, đã bán hết sạch. Bà Thảo phải điện về nhà "tiếp tế" thêm hàng hóa để kịp bán cho hai ngày cuối tuần. Nhiều gian hàng đặc sản Cà Mau, Bạc Liêu... cũng phải chở thêm hàng từ địa phương lên.
Chưa qua hết 2 ngày tham gia hội chợ, anh Huỳnh Dương Hào - chủ cơ sở tôm khô Thanh Trang (Bạc Liêu) - cho biết đã bán hơn 60kg tôm, cá khô các loại và đang nhập lên thêm 70kg để đủ lượng hàng bán cho hai ngày cuối tuần. "Không ngờ sức mua tốt vậy, vượt xa so với kỳ vọng trước khi tham gia", anh Hào nói.
Đem hơn 300kg bơ từ Đắk Lắk xuống giới thiệu tại hội chợ, bà Thơ - chủ cơ sở Thơ Dũng Cư M’Gar - cho biết đã bán được hơn 160kg bơ, một lượng lớn cà phê rang xay, chưa kể đã tiếp xúc và kết nối được nhiều mối tiêu thụ tiềm năng.
Trong khi đó, chị Lâm Thị Thanh - đại diện cơ sở đặc sản LâmThanh (Tây Ninh) - cho biết ngoài doanh thu vượt kỳ vọng với khoảng 30 triệu đồng/hai ngày đầu tham dự, đơn vị đã tiếp xúc với lượng lớn các đối tác đặt vấn đề nhập hàng, trong đó có nhiều siêu thị "hứa" sẽ mua lượng lớn hàng nếu đáp ứng yêu cầu.
"Các sản phẩm mới như bánh phồng tôm hàu, thịt heo ướp gia vị/mật ong, há cảo thanh long, tỏi Tây Ninh... cũng được người dùng ưa chuộng. Bán hàng chỉ là trước mắt, đơn vị cần cơ hội hợp tác với các đối tác về lâu dài và đây là điểm cộng lớn nhất mà chương trình kích cầu tiêu dùng đã mang lại", chị Thanh nói.
Nhiều khách hàng cho biết dù ý định ban đầu chỉ đi tham quan, giải trí nhưng nhận thấy nhiều hàng chất lượng, giá khuyến mãi tốt nên mua sắm liền tay. Tay xách 4 thùng hàng cồng kềnh, ông Tuấn (Thủ Đức) cho biết một số mặt hàng cũng có sẵn trong siêu thị nhưng ở hội chợ này doanh nghiệp giảm giá đến 40%, mua hóa đơn trên 500.000 đồng còn được tặng thêm quà nên gia đình đã tranh thủ mua sắm luôn.
Tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm
Ngoài việc kích cầu tiêu dùng nội địa, Chương trình kích cầu tiêu dùng 2020 (diễn ra từ ngày 2 đến 4-7) cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà sản xuất kết nối với nhà phân phối và hệ thống bán lẻ, đồng thời tạo cơ hội cho nhà sản xuất lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng.
Ông Lê Văn Lưu, giám đốc Công ty chế biến xuất khẩu tôm Viet Shrimp (Bạc Liêu), cho biết khả năng có khoảng 30% khách hàng có thể "làm ăn" được với nhau sau các cuộc tiếp xúc trong ngày 3-7. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh dịch COVID-19 còn ảnh hưởng nặng nề, dù trước đó đơn vị chưa chú trọng phát triển thị trường trong nước.
Theo ông Võ Tiến Thành, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại - du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp, trong 50 doanh nghiệp của địa phương tham gia kích cầu dịp này, có 10 doanh nghiệp ký kết được biên bản ghi nhớ với các hệ thống phân phối hiện đại. Sau kết nối ban đầu, hai bên sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo các tiêu chuẩn hàng hóa vào siêu thị. "Ngoài ra Đồng Tháp cũng đã làm việc với Gigamall để dự kiến tới đây sẽ mở một gian hàng riêng trưng bày sản phẩm, đặc sản của các doanh nghiệp Đồng Tháp, giới thiệu các mặt hàng chế biến sẵn từ sen đến người tiêu dùng TP", ông Thành nói.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam, hàng hóa từ các địa phương đổ về đây không chỉ phục vụ người tiêu dùng TP mà còn được đưa đi khắp cả nước, trong đó có các từ tỉnh miền Trung và phía Bắc. "Các hoạt động kết nối còn là cơ hội để doanh nghiệp phát triển thêm hệ thống đại lý phân phối, tạo điều kiện tái sản xuất sau những ngày chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19", bà Trang nói.
Hàng Việt lên ngôi sau dịch COVID-19
Có đến 76% người Việt thích mua hàng nội sau dịch COVID-19, trong đó người tiêu dùng ưu tiên chọn các sản phẩm địa phương vì biết rõ nguồn gốc và mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt - theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen về những thay đổi hành vi người dùng Việt sau dịch.
Báo cáo này cho biết có ba động lực chính ảnh hưởng đến hành vi và thói quen mua sắm hậu COVID-19 trên toàn thế giới gồm chất lượng và hiệu quả, sản phẩm có nguồn gốc địa phương và công nghệ. Các động lực này thúc đẩy sự phát triển đáng kể của các xu hướng như người tiêu dùng chuộng hàng nội địa, sẵn sàng chi trả cao hơn cho những sản phẩm đảm bảo chất lượng và tốt cho sức khỏe...
Cũng theo khảo sát này, 63% người dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch và 64% người dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn.
|
NHƯ BÌNH - NGUYỄN TRÍ/TTO