Với 04 Chương, 30 Điều, Nghị định 120 quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2020.
Trong đó, đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập (trừ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Chính phủ (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài); đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận - huyện - thị xã - thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thực hiện theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan thuộc Chính phủ được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.
Nghị định 120 cũng nêu rõ, việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định tại Nghị định này. Các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới phải tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể; việc tổ chức lại không được làm tăng số lượng người hưởng lương từ NSNN đã được phê duyệt.
Xem nội dung toàn văn Nghị định 120/2020/NĐ-CP: Tại Đây