Du lịch chữa bệnh mang lại cho TPHCM 1 tỷ USD/năm

07:53 12/07/2020

Sáng 11-7, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ đăng đàn, trả lời về các giải pháp thu hút và giữ chân du khách ở lại TPHCM.

Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Là điểm đến hay điểm trung chuyển du lịch?

Mở đầu phiên chất vấn lãnh đạo ngành du lịch, ĐB Triệu Đỗ Hồng Phước nêu tình trạng 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế cả nước nói chung và TPHCM nói riêng bị tác động mạnh của dịch Covid-19; trong đó, ngành du lịch TPHCM chịu tác động rất lớn. ĐB Triệu Đỗ Hồng Phước đề nghị Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết cách ứng phó của ngành, các giải pháp trước mắt và lâu dài để khôi phục, phát triển ngành du lịch TP sau dịch Covid-19?

ĐB Triệu Đỗ Hồng Phước nhắc lại tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TPHCM được tổ chức năm 2017 tại Cần Giờ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM đã hứa với cử tri đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành Chiến lược phát triển du lịch TPHCM; đến quý 1-2018, sẽ hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP. “Tuy nhiên, đến nay, cả hai nhiệm vụ này đều chưa hoàn thành. Vì sao? Trách nhiệm của sở như thế nào và khi nào thì hoàn thành 2 nhiệm vụ này?”, ĐB Triệu Đỗ Hồng Phước chất vấn.   

ĐB Nguyễn Mạnh Trí đặt vấn đề: có ý kiến nhận định rằng, TPHCM là điểm đến thu hút nhưng thực tế chỉ là điểm trung chuyển để du khách đến các nơi khác. Một trong các lý do là TPHCM không có sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng thu hút và giữ chân du khách. Giải pháp nào để TPHCM thật sự là điểm đến với du khách và du khách ở lại TPHCM. ĐB Nguyễn Mạnh Trí hỏi thêm: “Đặt trong kịch bản xấu nhất, dịch Covid-19 chưa khống chế triệt để trên toàn thế giới trong năm 2020, du lịch quốc tế gặp nhiều trở ngại, vậy sở có giải pháp gì để phát triển du lịch nội địa?”

Đặc biệt quan tâm đến du lịch, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ chất vấn Giám đốc Sở Du lịch TPHCM: Các sản phẩm du lịch TPHCM chưa hấp dẫn, bởi chưa kết hợp được yếu tố văn hóa và giải trí cao, chưa kết nối được làn sóng đầu tư trong và ngoài nước vào các sản phẩm du lịch. Giải pháp sắp tới của sở như thế nào? Sở có kế hoạch cụ thể nào để phát triển thị trường du lịch nội địa đang được kỳ vọng phục hồi 30-40% trong thời gian từ nay đến cuối năm?

“Hàng năm, TPHCM đón 8 triệu khách nước ngoài. Vậy thời gian lưu trú, mức chi tiêu, sự quay lại TPHCM của du khách nước ngoài ra sao? Sản phẩm du lịch đặc trưng của TPHCM là gì?”, ĐB Nguyễn Thị Nga hỏi.

Trong khi đó, ĐB Cao Thanh Bình quan tâm đến phát triển du lịch đường sông, du lịch y tế.

Lấy giá tạo sự quan tâm, lấy chất lượng để đảm bảo phát triển

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, du lịch ở TPHCM suy giảm trầm trọng. Số lượt khách quốc tế sụt giảm 52%, doanh thu sụt giảm gần 50%. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ đánh giá, đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của ngành du lịch TPHCM; du lịch là ngành chịu tác động đầu tiên và cũng là ngành sau cùng trong quá trình hồi phục.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ nêu ra các nhóm giải pháp khẩn trương phục hồi du lịch sau thời điểm phòng chống dịch Covid-19 và các giải pháp thuộc về chiến lược phát triển du lịch TPHCM.

Theo đó, để phục hồi ngành du lịch, Sở Du lịch TPHCM đã liên kết các ngành vận tải hàng không – đường sắt, các đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ, lữ hành… để tung gói kích cầu lớn nhất từ trước tới nay với 280 tour đến TPHCM. “Các tour có khung giá rất bất ngờ. Quan điểm của chúng tôi: lấy giá tạo sự quan tâm nhưng lấy chất lượng để đảm bảo sự phục vụ. Bởi vì doanh nghiệp du lịch đang rất cần tái khởi động để duy trì hoạt động lâu dài”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.

TPHCM cũng liên kết phối hợp với các địa phương để kích thích du lịch nội địa. Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nhận xét: “Qua tính toán thấy rằng, năm 2020 rất khó để mở cửa thị trường quốc tế, nên thị trường nội địa là cứu cánh”. Đồng thời, Sở Du lịch TPHCM cũng ứng dụng công nghệ thông tin, tái cơ cấu hoạt động, giúp ngăn chặn giải thể, hoặc ngưng hoạt động của doanh nghiệp lữ hành. Hiện nay, TPHCM có 1.300 doanh nghiệp ở lĩnh vực này, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn.

Về sản phẩm du lịch, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, nếu so với Singapore, Bangkok (Thái Lan), thì TPHCM không thiếu sản phẩm du lịch, nhưng độ hấp dẫn còn mờ nhạt. Sự liên kết để phát triển sản phẩm văn hóa và giải trí là một trong những yêu cầu TPHCM xác định đầu tư trong giai đoạn sắp tới. “Trong cơ cấu chi tiêu của khách quốc tế khi đến TPHCM, du khách dành 30-32% cho lưu trú, 18% cho ăn uống, 14% cho giải trí mua sắm. Trung bình du khách ở lại 3,3 đêm khi đến TPHCM. Để cải thiện, gia tăng nguồn thu từ du khách thì TP phải đầu tư”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay. Cụ thể, với năng lực 4.800 khách sạn, trong đó có 15.000 phòng cao cấp, để TPHCM đứng trong Top 20 châu Á (TPHCM đang đứng thứ 42) trong 10 năm tới, thì TPHCM cần thêm 40.000 phòng. Cơ sở vật chất cần được đầu tư khang trang hơn, cộng với du lịch sinh thái thì TPHCM có thể đón 15 triệu du khách quốc tế/năm.

Trao đổi thêm về du lịch đường thủy nội địa hiện tại có 87 phương tiện khai thác với 7 tuyến, ông Bùi Tá Hoàng Vũ đánh giá, đây là sản phẩm có tính tiềm năng. Cần thêm 3-5 năm, sau khi quy hoạch và thực hiện quy hoạch bờ kè sông Sài Gòn, sau khi hoàn thiện đô thị ven sông Sài Gòn, có hệ thống cầu cảng thì mới phát triển được.

Riêng về du lịch chữa bệnh, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM thông tin, bên cạnh dòng 300.000 người ra nước ngoài chữa bệnh với tổng chi 2 tỷ USD, ngược lại, có dòng người đến TPHCM du lịch chữa bệnh mang lại cho TPHCM 1 tỷ USD/năm. Thế mạnh du lịch y tế tại TPHCM là tầm soát sức khỏe, y học dân tộc, nha khoa, làm đẹp… TPHCM đã có đề án phát triển du lịch y tế và tín hiệu cho thấy, du lịch y tế có điều kiện phát triển trong tương lai.

“Đây là hạn chế của sở và của tôi”

Về hoàn thành Chiến lược phát triển du lịch TPHCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ trả lời một cách khảng khái: “Trước tiên, đây là hạn chế của Sở Du lịch TPHCM và của cá nhân tôi. Quá tình thực hiện đã chưa đảm bảo cam kết của cá nhân tôi, cũng như của sở, như giải trình trước cử tri TPHCM tại Cần Giờ”.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định, việc triển khai Chiến lược phát triển du lịch là rất quan trọng, nếu không có giải pháp tương xứng thì không phát huy lợi thế của du lịch TPHCM, không khắc phục các điểm yếu trong nhiều năm qua và du lịch không thể bứt phá để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhận xét du lịch hiện nay đang khu trú ở khu vực trung tâm quận 1, quận 3, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, sở đã có kế hoạch phát triển du lịch ở huyện Cần Giờ, Củ Chi và ngoại ô TPHCM nhằm thu hút và chia sẻ khách từ trung tâm TP đến ngoại thành.

MAI HOA - MẠNH HÒA/SGGP

Tin cùng chuyên mục