Khác với không khí vắng lặng sau mỗi kỳ nghỉ tết, sáng 19-2, ghi nhận của PV Báo SGGP tại khu vực Bãi Sau của TP biển Vũng Tàu khá nhiều du khách vui chơi, tắm biển. Trên các cung đường tập trung đông đúc các cơ sở lưu trú như: Phó Đức Chính, Phan Văn Trị, Phan Chu Trinh… du khách đi lại, ăn sáng và uống cà phê vẫn diễn ra nhộn nhịp.
Anh Tuấn, chủ một khách sạn hơn 30 phòng ở khu vực Bãi Sau, cho biết, tết năm nay khách lưu trú giảm rõ rệt, công suất trung bình mỗi ngày chưa đến 50%, thay vì “cháy phòng” như các năm trước. Thế nhưng, sau khi có thông tin học sinh được nghỉ học đến hết tháng 2, vả lại thời tiết đẹp nên lượng khách có phần đông hơn, phần lớn là gia đình có con nhỏ.
Tại khu du lịch Hồ Mây Park, lượng khách trong dịp tết ngày cao điểm khoảng 2.000 lượt, giảm khoảng 70% so với cùng kỳ. Thế nhưng, nếu như trong tết lượng khách đến thưa thớt chỉ vài chục khách/ngày thì sau tết lượng khách lên đến 500 lượt/ngày. Theo quan sát, biển số xe trên các tuyến đường trung tâm, khách đến Vũng Tàu sau dịp tết chủ yếu là khách đến từ các tỉnh thành Đông Nam bộ, trong đó, nhiều nhất vẫn là TPHCM.
Còn tại huyện Xuyên Mộc, nơi được kỳ vọng sẽ trở thành thủ phủ du lịch mới của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, du khách tập trung về các địa điểm vui chơi giải trí gần khu vực suối nước nóng Bình Châu khá lớn. Khu vực này, thời gian gần đây được nhiều nhà đầu tư lựa chọn triển khai các dự án du lịch mới, kết hợp với vẻ đẹp tự nhiên sẵn có nên đã thu hút được đông đảo du khách đến vui chơi nghỉ dưỡng, nhất là sau tết.
Ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu, cho biết: “Những ngày qua, lượng khách du lịch đến Vũng Tàu khoảng 7.000 lượt/ngày. Khách đến chủ yếu là gia đình, phần do con cái được nghỉ học, phần cũng vì có gia đình chưa đi trong dịp tết để tránh dịch, kẹt xe nên giờ mới đi du lịch. Để phục vụ du khách, trung tâm vẫn bố trí 100% lực lượng trực cấp cứu tại các bờ biển; công tác phòng chống dịch, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường vẫn được duy trì nhằm đảm bảo cho du khách vui chơi, giải trí an toàn”.
Trái với TP biển Vũng Tàu, tại TP Đà Lạt, không khí du xuân những ngày sau tết cũng khác hẳn so với mọi năm. Dù đã có nhiều địa phương cho phép học sinh nghỉ học đến hết tháng 2, nhưng lượng khách về Đà Lạt không nhiều biến động. Đường vắng, khu du lịch thưa thớt khách tham quan là tình trạng chung. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ trên đường Bùi Thị Xuân, Nguyễn Chí Thanh, Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đình Phùng, Đoàn Thị Điểm… đồng loạt treo bảng “còn phòng”.
Anh Huy, chủ khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, cho biết: “Tỷ lệ khách thuê phòng đang ở mức thấp, trong vài tuần tới cũng không có dấu hiệu khả quan khi không có khách đặt phòng trước”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Quốc Thanh (hướng dẫn viên du lịch) thì thở dài: “Như mọi năm, khoảng mùng 3 Tết, tôi đã nhận hợp đồng dẫn đoàn đi tham quan nhưng năm nay thì khác, đến bây giờ vẫn đang nghỉ tết, vì không có khách. Một phần do những tour đi theo đoàn lớn, xe ô tô cỡ lớn không nhiều, chủ yếu là khách lẻ đi theo diện gia đình, muốn lái xe tự khám phá”.
Nhằm thu hút khách đến Đà Lạt, các chủ cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đã áp dụng giá thuê phòng như ngày thường trong năm, với mức 300.000 - 500.000 đồng/phòng 1 giường đôi, 700.000 - 900.000 đồng/phòng 2 giường đôi.
Thống kê của Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng cho thấy, ngay cả những ngày cao điểm kỳ nghỉ tết (từ mùng 2 đến mùng 6 Tết), toàn tỉnh chỉ đón khoảng 45.000 lượt khách, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, khách lưu trú khoảng 40.000 lượt.
Theo ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát ở một số tỉnh thành vào những ngày giáp tết nên tình hình khách hủy phòng rất nhiều (hủy 60%-80% công suất phòng đã đặt trước đó). Trong 7 ngày nghỉ tết vừa qua, toàn tỉnh đón khoảng 20.000 lượt khách lưu trú, chủ yếu là khách du lịch nội địa (giảm khoảng 82% so với tết năm 2020). Hầu hết các cơ sở lưu trú 4-5 sao chỉ đạt công suất phòng 30%-40%, các cơ sở lưu trú còn lại đạt 10%-30%.