Những sa bàn ấy không chỉ là nơi để người chơi thể hiện mình trước tình yêu với lịch sử, mà đó còn là đam mê, nguồn sống của họa sĩ Lê Xuân Giang (35 tuổi).
"Kho khí tài" của Giang
Một buổi sáng trời mưa đầu tháng 7, chúng tôi đến căn nhà nhỏ trên đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) của Giang, nơi có những trận chiến lịch sử như "đóng băng" trên những sa bàn bé tí. Một "kho khí tài" với hàng trăm xe tăng, thiết giáp, pháo khẩu, lựu đạn, súng AK47, AK74 bằng... mô hình khiến những người lần đầu nhìn thấy không khỏi choáng ngợp và thích thú.
Cạnh đó, có cả một đội quân hàng trăm lính đang thần tốc ra chiến trường, những người mẹ choàng lên cổ con trai chiếc khăn rằn, nhét vội vào balô đùm xôi gói lá chuối tiễn con ra trận...
Thế giới ấy là phòng trưng bày các sa bàn về lịch sử, về đời sống con người được Lê Xuân Giang miệt mài chế tác nên trong hơn 10 năm qua. Trước khi làm sa bàn, Giang là họa sĩ vẽ tranh sơn dầu. Anh tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 2009 vào thời điểm những khổ giấy có giới hạn, những nét vẽ đơn thuần không sao thể hiện hết được mong muốn sáng tạo của Giang.
Rồi vào một lần đi dạo nhà sách đầu năm 2010, anh tình cờ thấy và ấn tượng ngay với những mô hình khí tài quân sự được bày bán. Ngắm càng lâu anh càng nhận ra việc nâng tầm mô hình thành những tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu, không gian và câu chuyện là điều hoàn toàn có thể.
"Như tìm thấy lối thoát khỏi những bế tắc trong ý tưởng bấy lâu nay, tôi mua một mô hình xe tăng về. Ngắm nhiều dần kết thân, rồi nên duyên với sa bàn từ đó" - Giang nói về cơ duyên đến với sa bàn.
Sa bàn là một dạng mô hình chi tiết thu nhỏ theo một tỉ lệ nhất định. Và trong vô vàn loại sa bàn như kiến trúc, nội thất, quân sự, chiến tranh, đời sống... thì sa bàn về những trận chiến của quân đội nước Việt là thứ khiến chàng họa sĩ trẻ này mê mẩn, toàn tâm theo đuổi. Giang bảo những ngày đầu làm sa bàn khiến anh như lạc vào một thế giới khác - một thế giới nghệ thuật đầy sinh động, trực quan.
Để mỗi sa bàn kể về lịch sử được chân thật, hồn cốt nhất, 10 năm theo nghề đã cho Giang đúc kết: không được đại khái, qua loa. Ngoài kiến thức cần có ở nhiều lĩnh vực như mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch không gian, cơ khí, hóa chất... họa sĩ phải am tường từng giai đoạn lịch sử, chính trị có liên quan thì tác phẩm mới đảm bảo chính xác.
Paracel và câu chuyện đi ra thế giới
Để tạo được một mô hình người lính, Giang nói anh phải trải qua không dưới 5 công đoạn. Đầu tiên là tạo khung xương từ dây đồng, đây là bước giúp mô hình vững chắc và có được tư thế theo mong muốn. Kế tiếp là đắp đất sét tạo thân, tay chân, mặt mũi... cho nhân vật. Ngay cả tay chơi lành nghề như Giang thì đây cũng được xem là công đoạn tốn sức nhất.
Một phần cũng do kích thước của mô hình rất nhỏ nên đòi hỏi người làm phải thật tập trung, chăm chú trong thời gian dài mới thể hiện được hết ý tưởng qua từng biểu cảm, thần thái đến sự kiêu hùng của nhân vật và tổng thể sa bàn.
Cuối cùng là sơn phết màu cho mỗi mô hình. Giang nói từng phải tẩy màu hoặc bỏ đi khá nhiều mô hình chỉ vì không được qua loa.
"Tùy thời điểm lịch sử, chiến trường mà mô hình muốn thể hiện sẽ có một gam màu đậm nhạt riêng. Và nếu màu pha chệch đi một chút thôi cũng không được" - Giang phân trần. Ngoài lịch sử, Giang còn làm cho mình nhiều sa bàn về các phiên chợ nổi, những ngôi nhà trên sông nước miền Tây bằng chính những ký ức của một người con quê gốc Vĩnh Long.
Ngoài thời gian chính làm giảng viên ngành thiết kế đồ họa (Trường ĐH Hoa Sen), Giang nói việc được quay về xưởng thiết kế, rồi đắm mình trong những sa bàn lịch sử giúp anh quên đi bao mệt mỏi. Một thương hiệu mô hình về những người lính, vũ khí chuyên xuất khẩu sang nước ngoài - nơi có đông người chơi mô hình mang tên Paracel cũng được Giang lập nên.
Ban đầu, sản phẩm của anh chỉ được vài người bạn cùng đam mê sa bàn ở nước ngoài biết đến. Nhưng giờ đây đã có nhiều công ty mô hình tại nước ngoài như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Đức... đã đặt liên kết cùng Giang trong việc sản xuất. Các mô hình xuất khẩu đều là sản phẩm được sản xuất hàng loạt theo khung chuẩn do Giang tạo ra.
"Dù đây là bộ môn kén người theo đuổi, tuy nhiên khi đã bán sản phẩm ra nước ngoài, tôi muốn lồng ghép vào đó một thông điệp mà mình luôn trăn trở. Và việc đặt tên Paracel, có nghĩa là Hoàng Sa cho một sản phẩm chuẩn Việt Nam là thông điệp của tôi" - Lê Xuân Giang chia sẻ.
Từ sa bàn "vẽ" lịch sử
Hôm chúng tôi ghé thăm, Giang đang tỉ mẩn tạo nặn từng chi tiết cánh tay, khuôn mặt, chiếc áo, đôi giày đến nét mặt... của từng người lính Cụ Hồ trong sa bàn kéo pháo lên Điện Biên Phủ. Đây là sa bàn anh dự định làm nhân kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ từ đầu năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành vì còn muốn tác phẩm phải thật chỉn chu.
Qua bàn tay của Giang, mỗi chi tiết nhỏ trên sa bàn đều mang trên mình một dáng vẻ, thần thái riêng. Nhiều chi tiết phụ trợ như cành cây, ngọn cỏ cũng được anh chú trọng cắt tỉa bằng giấy, đất sét, rễ cây... đầy cầu kỳ, chăm chút. Những gì mà người khác bỏ đi như vỏ chai nhựa, lốp xe... cũng được Giang "hóa thân đổi phận" thành những chi tiết đắt trên sa bàn.
Ngoài sa bàn về câu chuyện người lính kéo pháo lên Điện Biên, Giang càng thêm tự hào khi thành công trong việc tạo dựng nên tác phẩm về cuộc hành quân thần tốc trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 hay tác phẩm Đồng đội, Ngày trở về... Tất cả đều toát lên được khí thái oai phong, hùng tráng và một tinh thần bất khuất, một ý chí kiên cường như những gì anh đã đọc từ lịch sử.
Một triển lãm riêng mình
Tác phẩm "Từ miền núi xuống đồng bằng" nói về cuộc hành quân thần tốc để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 là sa bàn Giang làm theo đơn đặt hàng từ một tạp chí ở Nhật Bản. Ngoài ra, tác phẩm "Chợ nổi Việt Nam" cũng từng mang về cho Giang huy chương bạc tại một cuộc thi mô hình ở Đài Loan, sa bàn "Đại bàng hạ cánh", "Nhà trên sông" cũng giúp anh đoạt huy chương vàng tại một cuộc triển lãm mô hình ở Malaysia.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người có chung sở thích đã tìm đến Giang ngỏ lời mua các sa bàn, nhưng tất cả đều chỉ nhận lại cái lắc đầu. Giang nói việc luôn ấp ủ sẽ tạo ra một buổi triển lãm cho riêng mình khiến anh không muốn bán chúng đi. "Người ta bảo cứ bán đi, nếu muốn triển lãm thì sẽ cho mượn nhưng tôi nhất quyết không chịu. Tiền có thể kiếm cả đời, nhưng sa bàn thì không dễ" - anh Giang nói.