Gấp rút trợ lực cho xe buýt

15:35 19/04/2020

Do mức trợ giá lạc hậu, quá thấp so với thực tế lại kéo dài nhiều năm nên hầu hết các đơn vị vận tải bằng xe buýt của TP. Hồ Chí Minh đã gặp rất nhiều khó khăn. Không ít đơn vị đã lỗ suốt từ năm 2017 đến nay.

Gấp rút trợ lực cho xe buýt
Xe buýt TP. Hồ Chí Minh đã gặp nhiều khó khăn.

 Đã vậy, do ùn tắc giao thông, xe buýt không đảm bảo lộ trình, không cạnh tranh được với xe “ôm” công nghệ nên đã dần để “mất” rất nhiều khách

Theo thống kê, năm 2012, lượng khách đi xe buýt trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt trung bình 305 triệu lượt/năm, nhưng đến năm 2020 (dự kiến) chỉ còn 159 triệu lượt. Tức sau 8 năm, lượng khách đi xe buýt đã giảm 146 triệu lượt. Tính từ năm 2018 đến tháng 3-2020, tại TP đã có tới 8/105 tuyến xe buýt có trợ giá tạm ngưng hoạt động. Chỉ thống kê từ ngày 3 đến 16/2, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP cho biết, hoạt động xe buýt giảm 41.208 chuyến (giảm 19%) so với cùng kỳ năm trước và giảm 42.651 chuyến (giảm 20%) so với 2 tuần đầu tháng 12/2019. Còn về lượng hành khách, so với 2 tuần cùng kỳ năm trước, giảm hơn 3,5 triệu lượt (giảm 52%) và hơn 3 triệu lượt (giảm 49%) so với 2 tuần đầu tháng 12/2019.

Đến nay, đã có 9 doanh nghiệp vận tải ký đơn kiến nghị ngành chức năng xem xét bổ sung kinh phí trợ giá xe buýt năm 2019. Tháng 8/2019, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định về bộ đơn giá mới được tính toán đầy đủ, việc bổ sung kinh phí trợ giá trên cơ sở đơn giá mới đang được Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh xem xét để trình UBND TP phê duyệt. Dự kiến sẽ bổ sung khoảng 100 tỷ đồng để bù đắp tiền trợ giá cho các đơn vị xe buýt bị lỗ.

Chưa bao giờ xe buýt lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Thậm chí, nếu dịch bệnh kéo dài có thể sẽ có đơn vị xe buýt phá sản. Bởi lẽ, những ngày thường khi chưa có dịch Covid-19 doanh thu của xe buýt cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Do đó, từ khi ngưng hoạt động, không có nguồn thu, nhiều đơn vị vận tải đã phải vay tiền để trả lương cho tài xế, tiếp viên, tiền thuê bãi đậu xe… Thậm chí, từ đầu năm đến nay, nhiều xã viên (đổi xe) chưa trả được cả tiền gốc lẫn lãi vay mua xe mới. Hơn 2 tuần qua, lãi suất ngân hàng thực sự là nỗi ám ảnh của các chủ xe. Theo các hợp tác xã, trung bình mỗi xe đóng lãi ngân hàng dao động 10-13 triệu đồng/tháng.

Các doanh nghiệp đã có văn bản gửi các ngân hàng đề xuất giãn nợ, giảm lãi vay, ít nhất 6 tháng đến 1 năm để các xã viên có thời gian phục hồi. Đến nay, một số ngân hàng đã đồng ý không thu tiền nợ gốc trong các tháng 4, 5 và 6; riêng tiền lãi vẫn thu đủ. Có ngân hàng đồng ý cho xã viên đóng lãi vay 3 tháng/lần, riêng nợ gốc sẽ giãn đến tháng 6. Cũng có ngân hàng hứa xem xét giảm 0,5% lãi suất so với mức hiện tại.

Song song đó, nhằm hỗ trợ khó khăn cho các đơn vị vận tải cũng như người lao động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (xe buýt) trong thời gian dịch bệnh phải tạm ngưng hoạt động, Sở GTVT đã làm việc cụ thể với các đơn vị vận tải để tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, hỗ trợ một phần chi phí cho hơn 5.000 người lao động (lái xe và nhân viên phục vụ trên xe buýt) đồng thời xem xét hỗ trợ lãi vay đối với những đơn vị đầu tư thay thế xe mới đang trong thời gian trả lãi vay ngân hàng. Các chính sách này đã được Sở GTVT kiến nghị UBND TP giải quyết.

Theo SGGP

Tin cùng chuyên mục