Tham dự tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh có Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phan Thị Thắng cùng đại diện lãnh đạo các Sở - ngành, quận - huyện trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 6 tháng đầu năm, đất nước đạt tăng trưởng thấp, nhân dân đang phải gặp những khó khăn về thu nhập. Nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dẫn đến các dòng vốn đầu tư đều chậm so với nhiệm vụ kế hoạch.
Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn. Đầu tư sẽ giải quyết được vấn đề việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng 0,06% GDP. Hiện cả nước đang phải tập trung giải ngân gần 28 tỷ USD vốn đầu tư công, tương đương với khoảng 633.000 tỷ đồng. Điều này đặt ra trách nhiệm rất lớn cho Chính phủ và các địa phương trong cả nước.
Thủ tướng đặt vấn đề: “Mỗi khi làm việc ở địa phương, làm việc với các bộ, ngành, các đồng chí đều đề cập xin nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển địa phương mình, ngành mình. Nhưng khi nhận được vốn rồi thì lại không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn”. Thủ tướng cho rằng, chính điều này dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp trong những năm gần đây. Năm nay, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 20%, tăng khoảng 80% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn khối lượng vốn đầu tư công rất lớn chưa được giải ngân.
Trước vấn đề đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu cùng tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng này.
Thủ tướng đặt câu hỏi: “Tại sao những địa phương cùng cơ chế chính sách ấy mà họ giải ngân đầu tư rất tốt, còn nhiều địa phương thì rất ì ạch” và khẳng định nguyên nhân là “do bệnh quan liêu, không chịu đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”. Các địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt (đạt từ 45% trở lên) gồm: Nghệ An, Tiền Giang, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Lào Cai. Trong khi đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân rất chậm (dưới 20%) như: Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Ninh Thuận…
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải đưa ra các chế tài cần thiết đối với người đứng đầu các địa phương, bộ ngành để nâng cao trách nhiệm. Bên cạnh biện pháp mà Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ là điều chuyển vốn đầu tư công của Nhà nước từ địa phương này sang địa phương khác, từ ngành này qua ngành khác, từ công trình này qua công trình khác… thì cần có chế tài về thi đua khen thưởng, về xử lý, đánh giá cán bộ… trong vấn đề chậm giải ngân.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến chuyến công tác kiểm tra thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Ninh Bình vào ngày 12/7 vừa qua. Kinh nghiệm của địa phương này cho thấy, tỉnh tổ chức họp HĐND mỗi tháng một lần để điều chuyển vốn từ công trình này sang công trình khác. Đặc biệt, Bí thư, Phó Bí thư Thường trực của Tỉnh ủy trực tiếp xuống hỗ trợ Chủ tịch UBND các huyện để vận động trong khâu giải phóng mặt bằng. Qua đó, Thủ tướng cho rằng lãnh đạo các địa phương phải gần gũi, trực tiếp trong việc triển khai thực hiện giải ngân nguồn vốn.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các đại biểu tham gia cuộc họp nêu các điểm vướng mắc về thể chế pháp luật hoặc điểm mâu thuẫn giữa các luật, nghị định; quyết không để tình trạng vốn đọng, nợ đọng, thủ tục đọng.
Cuộc họp trực tuyến dành nhiều thời gian để nghe các địa phương chia sẻ về kinh nghiệm, cũng như các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.