Những kết quả bước đầu
Chiều 6/4, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID - 19 trong bối cảnh liên tiếp 2 buổi sáng (ngày 5 và 6/4), Bộ Y tế công bố cả nước không ghi nhận ca bệnh sau 1 tháng liên tiếp ghi nhận trên 200 bệnh nhân mắc COVID-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: "Cả nước phấn khởi khi số ca nhiễm ít".
Nhiều thông tin lạc quan về số ca nhiễm ít, số người ra viện, việc sớm được nhận thêm máy thở để phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng cũng khẳng định vai trò của ngành Y tế trong việc đưa ra những biện pháp khoa học trong điều trị và đưa ra một số phác đồ tốt.
"Những kinh nghiệm tốt về lâm sàng, điều trị, cách ly trong thời gian qua có thể phát huy trong thời gian tới hay không? Cần tiếp tục nghiên cứu thêm phương pháp điều trị mới, hiệu quả..." - Thủ tướng đặt ra yêu cầu với lãnh đạo ngành Y tế.
Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long đánh giá kết quả khả quan bước đầu của công cuộc phòng chống dịch bệnh là nhờ vào vai trò rất quan trọng của hai giải pháp: cách ly toàn xã hội và ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào.
Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng đây là hai chính sách có ý nghĩa quyết định và xin phép Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian áp dụng các chính sách này nếu thấy cần thiết. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, các tỉnh thành cần tiếp tục có giải pháp thực hiện nghiêm chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ; đẩy mạnh, mở rộng xét nghiệm trên phạm vi rộng hơn, nhất là với các TP lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.
Theo ông Long, cần có chính sách huy động tư nhân tham gia vào khâu xét nghiệm để mở rộng, gia tăng năng lực xét nghiệm nhằm sớm phát hiện, khoanh vùng, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh, tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Yêu cầu các cấp, các ngành và toàn dân không được chủ quan với các nguy cơ dịch bệnh còn phía trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các ngành, địa phương phải hết sức tập trung, không được chủ quan vì vẫn còn ca nhiễm.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng trân trọng cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Đồng thời cảnh báo dịch bệnh còn hiện hữu nguy cơ nên không thể chủ quan.
Toàn dân chung sức, chung lòng
Các doanh nghiệp hỗ trợ tiền bạc, vật chất, trang thiết bị y tế chống dịch. Người dân hoan hỉ đồng lòng với các chính sách nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh của Chính quyền đưa ra.
Ở tuyến đầu, đội ngũ y bác sỹ, các quân nhân… và nhiều lực lượng khác cũng ngày đêm nai lưng chống dịch không quản hiểm nguy, gian khổ.
Theo báo SGGP, tại TP. Hồ Chí Minh khi ra đời 62 chốt, trạm kiểm dịch phòng, chống dịch Covid-19 đã nhận được sự hợp tác tuyệt đối của người dân. Đặc biệt, 4 chốt ra vào cửa ngõ TP với các tỉnh thành khác được bố trí đủ lực lượng chốt chặn, kiểm soát nghiêm ngặt từng xe khi vào TP.
Tại QL1 đoạn qua trạm thu phí cầu Đồng Nai hướng vào TP. Hồ Chí Minh, tổ công tác gồm các cơ quan chức năng phối hợp, trong đó lực lượng chủ chốt CSGT và thanh tra giao thông triển khai lập chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.
Tại đây, một lán trại được dựng lên phục vụ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, cũng như dựng các hàng rào kẽm gai dọc tuyến đường phân làn xe để cán bộ ngành y tế kiểm tra, đo thân nhiệt của người đi trên tất cả các loại phương tiện. Hàng chục CSGT và thanh tra giao thông hướng dẫn điều tiết tất cả các loại xe như: ô tô, xe tải, xe container lưu thông xếp hàng vào làn để cơ quan chức năng kiểm tra đo thân nhiệt từng người một trên các phương tiện để đảm bảo an toàn khi vào thành phố.
Sau khi lực lượng chức năng triển khai chốt kiểm dịch phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến QL1A tại chân cầu Đồng Nai, các tài xế điều khiển phương tiện xe gắn máy, ô tô và người đi chung xe khi được lực lượng chức năng ra lệnh dừng xe để đo thân nhiệt đều chấp hành, hợp tác.
Trước đó, theo báo Thanh Niên, có 18 y bác sĩ của Khoa ngoại Chấn thương chỉnh hình - Thần kinh sọ não của cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế vừa ký đơn tình nguyện "ra tuyến đầu" chống dịch Covid-19.
Trong đơn, nhóm y bác sĩ này viết: “Cả nước đang chung sức phòng chống dịch, ở tuyến đầu là các chiến sĩ bộ đội, công an và nhân viên y tế. Tự hào là chiến sĩ áo trắng, chúng tôi nhận thức được trách nhiệm, vai trò tiên phong của mình trong giai đoạn khó khăn này. Vì vậy, chúng tôi đồng lòng, tự nguyện viết đơn này xin Ban giám đốc cho phép chúng tôi được tham gia trực tiếp trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện hoặc những nơi khác”.
Ở một “mặt trận” khác, nhiều bệnh viện đang vào cuộc tiến hành test miễn phí hoặc tài trợ các thiết bị đo thân nhiệt, test. Còn ở mặt trận kinh tế, bên cạnh những giải pháp của Chính phủ, các tỉnh, thành phố đã nỗ lực triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, theo Báo điện tử Vietnamplus, một số tập đoàn lớn tại Việt Nam như Vingroup, Vietjet, FPT, HDBank, VNPT... đã chấp nhận giảm hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận, góp sức cùng Chính phủ vượt qua khó khăn của dịch COVID-19.