Sáng 10-5, chương trình "Lắng nghe và Trao đổi" tháng 5-2020 diễn ra với chủ đề Dịch vụ công trực tuyến TPHCM, thực trạng và giải pháp. Chương trình do HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp tổ chức định kỳ hàng tháng.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; các đồng chí Thường trực HĐND TP, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT), UBND quận Bình Tân… Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM Trương Trung Kiên điều hành chương trình.
Thủ tục chưa đơn giản
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cho biết, thời gian qua Chính phủ và UBND TPHCM đã chỉ đạo toàn diện việc thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến. Tại TPHCM, từ chỗ chỉ có 472 thủ tục năm 2016, đến cuối 2019 đã có 1.111 thủ tục có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Từ chỗ chỉ 4%, đến nay đã có hơn 56% thủ tục thực hiện theo hình thức trực tuyến. Nhiều quận huyện, sở ngành đã làm tốt công tác này, như Sở GD-ĐT, Sở KH-ĐT, Sở Y tế, Công an TPHCM, quận Bình Tân, quận 1, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn…
Tuy vậy, bà Võ Thị Trung Trinh cũng nhận định, thủ tục hiện nay chưa thực sự đơn giản, thuận lợi để người dân dễ dàng thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân biết và tin tưởng vào dịch vụ công trực tuyến cũng cần làm tốt hơn nữa.
Đại diện đơn vị được đánh giá làm tốt dịch vụ công trực tuyến, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, hiện nay người dân, doanh nghiệp cũng còn tâm lý e ngại mất an toàn thông tin khi thực hiện hồ sơ theo hình thức trực tuyến.
Bà Huỳnh Thu Thảo, Chánh Văn phòng Sở Tư pháp TPHCM cho biết, hiện chỉ có hơn 20% hồ sơ thực hiện theo hình thức trực tuyến với các thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4.
Theo bà Thảo, thủ tục hiện vẫn còn những bất cập. Chẳng hạn, với thủ tục cấp lý lịch tư pháp, để đảm bảo nguyên tắc bí mật đời tư, quy định yêu cầu người xin cấp phải trực tiếp đến. Với một số thủ tục khác, dù khai trực tuyến nhưng người dân cũng phải ít nhất một lần đến sở cung cấp thông tin. Trong khi đó, dữ liệu về lý lịch tư pháp, hạ tầng cũng còn hạn chế.
Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Nam Bình cho biết, cơ quan này hiện đang cấp 133 thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3-4. Có 99,98% doanh nghiệp TPHCM đã nộp thuế điện tử. Cuối 2019 đã có hơn 40% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, mục tiêu cuối 2020 có hơn 90% doanh nghiệp đang hoạt động tại TP sẽ sử dụng hóa đơn điện tử.
Vướng mắc được nhiều đại biểu đưa ra tại buổi Lắng nghe và Trao đổi là các thủ tục hiện vẫn chưa đơn giản, dễ thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu cho hay, quý 1-2020, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến với các thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 tại quận đạt gần 58%. Tuy nhiên, những thủ tục quy định như bản vẽ thiết kế xây dựng đòi hỏi người dân phải scan dữ liệu. Do vậy tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến trong lĩnh vực cấp phép xây dựng vẫn còn hạn chế.
Anh Lê Nguyễn Bảo Quốc, người dân phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân cho biết: Cuối năm 2019 anh xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở Bình Long. Cán bộ giải quyết hồ sơ nhanh chóng, nhưng anh cũng phải sửa hồ sơ một lần về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Anh Quốc đề nghị các cơ quan nhà nước cần công bố rõ hơn các thông tin này.
Tại buổi Lắng nghe và Trao đổi, Phó Chủ tịch huyện Hóc Môn Đỗ Thanh Hòa cũng kiến nghị Sở Xây dựng xem xét đơn giản hóa bản vẽ thiết kế trong hồ sơ cấp giấy phép xây dựng để giúp người dân thuận tiện khi làm thủ tục này.
Gỡ cho cấp phép xây dựng trực tuyến
Trả lời các ý kiến, ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng Sở Xây dựng TP cho hay, hiện nay thủ tục cấp phép xây dựng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, nghĩa là người dân vừa phải làm trực tuyến, vừa có một nửa phần việc phải nộp trực tiếp. Trong khi nhu cầu thực tế của cá nhân, tổ chức là muốn nâng lên mức độ 4, đơn giản hóa thủ tục cấp phép.
Theo ông Tiến, hiện nay Sở Xây dựng đang lấy ý kiến của các địa phương, cơ quan để trình UBND TP ban hành thủ tục cấp phép xây dựng theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng - Sở Xây dựng TPHCM phát biểu tại chương trình
Theo đó, liên quan đến thông tin quy hoạch, hiện nay TP có cổng thông tin quy hoạch, Sở Xây dựng cũng có phần mềm SXD247 cũng có thông tin quy hoạch. Từ các thông tin này có thể xác định được chức năng quy hoạch, một số chỉ tiêu quy hoạch chính.
“Sở Xây dựng đang tiếp tục phối hợp với Sở TN-MT, Sở QH-KT để cập nhật thông tin quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý để làm cơ sở xác định chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch đến từng thửa đất để người dân biết được thửa đất mình được xây dựng như thế nào”, ông Tiến nói.
Với cái khó liên quan đến bản vẽ, theo ông Tiến, cách làm hiện nay là cơ quan cấp phép xong thì người dân phải nộp bản vẽ chính vô thì cơ quan cấp phép mới ký ban hành và cấp phép lại cho người dân. Thao tác như vậy gây phiền phức cho người dân.
“Chúng tôi đang nghiên cứu theo hướng dạng sơ đồ kết hợp trên bản đồ địa chính của Sở TN-MT”, ông Tiến nói và cho biết, trên cơ sở này Sở Xây dựng sẽ cập nhật các thông tin, chỉ tiêu về quy hoạch xây dựng để làm cơ sở cho các đơn vị tư vấn để triển khai hồ sơ thiết kế khi triển khai thi công xây dựng công trình.
Theo ông Tiến, trong tháng 5-2020, Sở Xây dựng sẽ xin ý kiến Bộ Xây dựng để làm cơ sở tham mưu UBND TP ban hành quyết định về thực hiện quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thay cho mức độ 3 với thủ tục cấp phép xây dựng.
Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Anh Tuấn góp ý thêm, để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến thì chữ ký số là giải pháp hữu hiệu. Theo ông Tuấn, tính pháp lý của chữ ký số cần phải được bảo đảm tính toàn vẹn, xác thực và không thể chối bỏ. Ông kiến nghị các cơ quan trung ương, TPHCM hướng tới áp dụng chữ ký số đồng bộ với dịch vụ công trực tuyến.
Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Nam Bình kiến nghị các bộ ngành chia sẻ thông tin, bởi các thủ tục về thuế nhiều khi liên quan đến nhiều cơ quan khác, như thông tin về đất đai, đăng kiểm xe…
Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết Sở TT-TT sẽ tập trung tham mưu TP các giải pháp để thực hiện mục tiêu từ nay đến 2025 toàn bộ thủ tục hành chính phải được cung cấp ở môi trường công trực tuyến 3-4, tỷ lệ sử dụng 50% trở lên.