Chiều 9/7, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn họp trực tuyến với Phòng LĐTB-XH 21 quận, huyện và TP Thủ Đức về tiến độ triển khai gói an sinh xã hội lần 2 của TPHCM hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Gói hỗ trợ của TPHCM có quy mô 886 tỷ đồng, hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, bao gồm lao động tự do.
Về tiến độ hỗ trợ lao động tự do, tính đến nay, TPHCM đã có TP Thủ Đức và 19 quận, huyện tổ chức chi trả gói hỗ trợ cho hơn 31.500 người (chiếm 14% tổng số lao động tự do) với số tiền gần 47,3 tỷ đồng. Trong khi đó, hai quận 8 và Gò Vấp chưa triển khai hỗ trợ đối với 26.500 người lao động tự do ở hai quận.
Địa phương có tiến độ chi trả gói hỗ trợ sớm nhất là quận 5. Đến nay, quận đã chi hỗ trợ cho gần 6.000 người trong tổng số 6.300 người lao động tự do trên địa bàn (95%), với số tiền gần 9 tỷ đồng.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn biểu dương quận 5 đã tích cực triển khai gói hỗ trợ, thậm chí việc chi trả hỗ trợ diễn ra tận 22 giờ đêm 8/7. Ngoài mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, quận 5 còn tặng thêm mỗi người 5 kg gạo.
Quận 12 là địa phương đạt 105% tỷ lệ giải quyết hỗ trợ. Qua thống kê ban đầu, quận có gần 4.500 người lao động tự do. Trên thực tế, quận đã liên tục cập nhật bổ sung người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn và đến nay đã hỗ trợ hơn 4.700 người với số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Trong 5 huyện của TPHCM, huyện Cần Giờ có tiến độ thực hiện gói hỗ trợ cao nhất (73%), đã hỗ trợ cho 4.160 người trong tổng số hơn 5.700 người lao động tự do.
Trong hơn 31.500 lao động tự do đã được hỗ trợ, có gần 1.500 người bán vé số.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn yêu cầu Phòng LĐTB-XH TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đẩy mạnh tiến độ triển khai gói hỗ trợ, việc hỗ trợ diễn ra liên tục các ngày, không nghỉ ngày cuối tuần. Yêu cầu đặt ra là trước ngày 15-7, toàn TPHCM phải hoàn tất việc hỗ trợ đối với 230.000 người lao động tự do.
Riêng đối với xe ôm, qua thống kê, TPHCM có 34.000 người làm xe ôm truyền thống (trừ xe công nghệ) và xe xích lô chở khách. Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM nhận xét trong thời gian giãn cách xã hội, những người chạy xe ôm cơ bản bị mất việc làm, thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu và đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Ông Lê Minh Tấn chỉ đạo Phòng LĐTB-XH các quận, huyện, TP Thủ Đức và phường, xã, thị trấn thống kê đầy đủ và hỗ trợ kịp thời tới những người này.