Sáng 9/12, Kỳ họp thứ 23 Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX (2016-2021) đã tiến hành thảo luận, thông qua các Tờ trình của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến nhiều nội dung quan trọng, định hướng phát triển cho Thành phố trong giai đoạn 2021-2025.
Ổn định nguồn tài chính phục vụ phát triển
Các đại biểu đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó phấn đấu thu ngân sách đạt 1.983.779 tỷ đồng, tỷ trọng thu nội địa bình quân đạt khoảng 69% tổng thu ngân sách nhà nước.
Tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 đạt 377.326 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương đạt 420.717 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 160.297 tỷ đồng.
Nghị quyết cũng đưa ra các giải pháp chủ yếu của Thành phố để đảm bảo hoàn thành kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 như tăng cường các biện pháp quản lý, nuôi dưỡng, bồi dưỡng nguồn thu theo hướng đảm bảo tính bền vững của nguồn thu ngân sách; tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, tập trung vào các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; triển khai giải pháp thu hút vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi để phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế…
Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2021 được các đại biểu thông qua, nhất trí với tổng vốn Trung ương là 3.827 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 3.615 tỷ đồng.
Bà Phan Thị Hồng Xuân, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận Dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Đầu tư công năm 2021 từ nguồn vốn ngân sách nhà nước của Thành phố là 31.976 tỷ đồng. Hội đồng nhân dân Thành phố đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố kiên trì kiến nghị Trung ương tiếp tục bố trí vốn đối với 2 bệnh viện tuyến cuối (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 và Bệnh viện Nhi đồng thành phố), vì 2 bệnh viện này đã hoàn thành công trình đưa vào hoạt động nhưng chưa được bố trí đủ vốn để thanh quyết toán dự án.
Các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương năm 2021; các Nghị quyết về phí thăm quan di tích lịch sử Căn cứ Rừng Sác, huyện Cần Giờ; Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi; Đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Thành phố, nhằm tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Thành phố để hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu cảng biển và đảm bảo hiệu quả công tác duy tôn, bảo dưỡng các khu di tích.
Xây dựng bộ tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 23 Hội đồng nhân dân Thành phố khóa IX đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025, đưa ra chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố giai đoạn mới gồm 5 chiều và 10 chỉ số thiếu hụt. Trong đó xác định hộ nghèo, cận nghèo trên các mặt y tế; giáo dục đào tạo; việc làm-bảo hiểm xã hội; điều kiện sống và thu nhập.
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố cũng đề ra các chính sách hỗ trợ và biện pháp để thực hiện Chương trình như triển khai chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; giải quyết việc làm trong nước; hỗ trợ nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người; hỗ trợ bảo hiểm y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế, nhà ở…
Nghị quyết nhấn mạnh đến thực hiện bình đẳng về giới trong quá trình triển khai Chương trình, nhằm ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ hộ nghèo, cận nghèo là phụ nữ và phụ nữ nói chung trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Kinh phí thực hiện Chương trình được xác định từ nguồn vốn Trung ương, ngân sách Thành phố, quận, huyện và các nguồn vốn khác từ huy động, vận động.
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh trả lời ý kiến các đại biểu Hội đồng nhân dân về các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên tại Thành phố. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Cũng trong sáng 9/12, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên tại Thành phố; Nghị quyết về Quỹ tên đường và đặt tên 224 tuyến đường trên địa bàn một số quận, huyện gắn với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, danh nhân văn hóa, lịch sử, nhà khoa học; Nghị quyết về mức chi hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và tại cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn; Nghị quyết về hỗ trợ chi phí mua Thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có Thẻ bảo hiểm...
Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông qua Nghị quyết về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Nghị quyết phê duyệt biên chế năm 2021 của Thành phố Hồ Chí Minh.