Hoạt động của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc

09:55 15/03/2021

Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa khai mạc sáng nay, 15-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã nghe Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

Xây dựng, ban hành 72 luật

Sau khi được UBTVQH góp ý, hoàn thiện, Báo cáo này sẽ được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày tại tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo nêu nhận định khái quát: “Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội khóa XIV vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó. Tuy còn có điểm chưa hoàn toàn đáp ứng được như mong muốn của cử tri, nhưng hoạt động của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước”.

Cũng theo Báo cáo, kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến các hoạt động trong ngoại giao nghị viện đã góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp lớn vào những thành tựu vô cùng ý nghĩa của công cuộc gần 35 năm đổi mới, làm giàu thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội.

Cụ thể, trong lĩnh vực lập pháp, Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống. Quốc hội đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Bên cạnh đó, nhiều hiệp định thương mại, công ước, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia.

Thông qua hoạt động lập pháp, đã khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh bình đẳng…

Báo cáo cũng nêu rõ, hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định như tính dự báo chưa cao; việc lấy ý kiến về dự án có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; có nội dung đánh giá tác động chính sách chưa sâu, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động. Một số luật có tính khả thi chưa cao, vẫn còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, phải sửa đổi, bổ sung; không ít quy định còn chung chung, khi triển khai thực hiện vẫn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành… 

Đi đến cùng những vấn đề được giám sát

Trong công tác giám sát, Báo cáo nhấn mạnh, việc giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề mà cử tri quan tâm. Quốc hội đã giám sát tối cao 7 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân; cách thức tiến hành giám sát được đổi mới, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp. Chất vấn và trả lời chất vấn cũng tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận và nội dung, chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Đáng lưu ý, Quốc hội đã 2 lần tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi đến cùng vấn đề được giám sát, bảo đảm việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát hiệu quả hơn.

Về lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Báo cáo nhận định, công tác này đã được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội. Kết quả lấy phiếu không chỉ là thước đo hiệu quả hoạt động của người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, mà còn là động lực để những người được tín nhiệm cao tiếp tục phát huy, cống hiến, những người chưa được tín nhiệm cao phấn đấu khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nâng cao hiệu quả công việc.

Quyết định nhiều dự án lớn

Trong nhiệm kỳ này, bên cạnh những nội dung thường xuyên về kinh tế - xã hội, phân bổ ngân sách hàng năm…, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Quốc hội cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Công tác nhân sự được xem xét, tiến hành chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhận được sự đồng thuận cao. Việc xem xét, quyết định thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về tinh gọn tổ chức bộ máy, phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

ANH PHƯƠNG/SGGP

Tin cùng chuyên mục