Tham dự Hội nghị có Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh cùng đại diện Bộ, ngành, các địa phương. Chủ trì tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan.
5 năm hoạt động tạo ra nhiều chuyển biến rõ nét
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Mai Tiến Dũng cho biết trong 5 năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, động viên kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự ủng hộ, đồng thuận của các bộ, cơ quan, địa phương, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Tổ công tác đã hoạt động rất tích cực, hiệu quả, tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính.
Trong 5 năm hoạt động, tổng cộng đã có hơn 300 nhiệm vụ cụ thể được Tổ công tác báo cáo kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giao các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện.
Trung bình mỗi tháng Tổ công tác tổ chức từ 2-3 buổi làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương. Đến nay đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 02 cơ quan thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
Ngoài ra, Tổ công tác đã có 16 buổi làm việc với các cơ quan, Hiệp hội, gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam… và Hội đồng tư vấn du lịch để lắng nghe, nắm bắt những khó khăn về cơ chế, chính sách và những rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải. Mỗi năm, hoạt động của Tổ công tác đều có những thông điệp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.
Các cuộc điều tra của Tổ công tác luôn đề cao tính công khai, minh bạch với sự có mặt của các cơ quan báo chí. Các nội dung, số liệu kiểm tra, nhiệm vụ hoàn thành, chưa hoàn thành, nhiệm vụ chậm chễ, những vấn đề bất cập, tồn tại trong chỉ đạo điều hành và trách nhiệm thực thi công vụ của các địa phương đều được các cơ quan báo chí phản ánh đầy đủ, trung thực và kịp thời.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ giao, các đề án trong Chương trình công tác được cải thiện rất tích cực. Tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn đến cuối năm 2020 chỉ còn 1,8%, giảm 23,4% so với thời điểm thành lập Tổ công tác. Tỷ lệ đề án chưa trình đến hết tháng 2/2021 chỉ còn 0,5%, bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước (2,26%).
Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế chuyển biến rõ nét cả về phương pháp tiếp cận lẫn tiến độ trình, ban hành văn bản, số văn bản quy định chi tiết chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay. Đến 13/03/2021, chỉ còn 14 văn bản, so với 58 văn bản nợ vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và 39 văn bản nợ vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử được thúc đẩy mạnh mẽ. Việc đưa vào vận hành 4 hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; giúp cắt giảm 16.200 tỷ đồng/năm chi phí xã hội (theo cách tính của OECD).
Hoạt động của Tổ công tác đã thúc đẩy mối quan hệ phối hợp công tác giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cấp bách được giải quyết xử lý kịp thời. Nhiều cơ quan địa phương đã chủ động đề xuất Tổ công tác kiểm tra, hỗ trợ trong việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến địa phương. Mối quan hệ giữa Văn phòng Chính phủ và các hiệp hội doanh nghiệp ngày càng cởi mở, việc trao đổi, chia sẻ, phản ánh thông tin của doanh nghiệp trung thực, chính xác hơn.
Tổ công tác đã để lại một dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ Chính phủ
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hoạt động của Tổ công tác đã để lại một dấu ấn quan trọng, góp phần tích cực vào sự thành công của Chính phủ trong nhiệm kỳ này, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, hiệu ứng tích cực trong toàn bộ hệ thống hành chính Nhà nước. Đồng thời, Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, đóng góp của Tổ công tác, góp phần cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.
Với sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của Tổ công tác đã chấm dứt tình trạng “trên bảo dưới không nghe”; xóa bỏ các giấy phép con không cần thiết, cản trở sự phát triển kinh tế; tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các tập đoàn, hiệp hội, đơn vị, doanh nghiệp và người dân...
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự cố gắng rất lớn, tinh thần làm việc trách nhiệm, thẳng thắn, không ngại va chạm của các thành viên trong Tổ công tác. Qua đó, góp phần đưa chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, góp phần tạo niềm tin đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Thủ tướng thay mặt Chính phủ tặng Tổ công tác 8 chữ “Quyết liệt - Kịp thời - Hiệu quả - Thực chất”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổ công tác không bằng lòng với những gì đã đạt được, mà cần duy trì hoạt động tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp.
“Thành quả của Tổ công tác trong thời gian qua là bước đầu quan trọng. Tình trạng trì trệ trong công việc vẫn còn; sự lạc hậu trên một số thể chế, chính sách vẫn còn nặng nề. Vì vậy, việc tiếp tục tháo gỡ cơ chế, chính sách cho người dân, doanh nghiệp phải được làm mạnh mẽ hơn nữa, nhằm giải phóng nguồn lực cho sự phát triển, phấn đấu đạt mục tiêu là nước có thu nhập cao vào năm 2045”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng lưu ý, nhiệm vụ quan trọng nhất của Văn phòng Chính phủ là xây dựng, đôn đốc, kiểm tra, thực hiện chương trình hành động, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác là cơ chế do Thủ tướng nhiệm kỳ này đặt ra, đây không phải là cấp trên của các bộ, ngành, địa phương nên không làm thay chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.
Về phương hướng và nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương dồn sức vượt qua khó khăn. Việc hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện chứ ko phải kìm hãm sự phát triển. Ngoài ra, cần tăng cường phương thức lãnh đạo, việc tổ chức thực hiện đi cùng với đôn đốc, giám sát trên tinh thần “Chủ trương 1, biện pháp 10, kiểm tra đôn đốc 20 thì mới thành công”.
Thủ tướng cũng đề nghị Tổ công tác trong thời gian tới phải hoàn thiện phương pháp, cách thức hoạt động, mô hình tổ chức phù hợp với chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời điểm, từng giai đoạn, phục vụ nhiệm vụ chính trị trên tinh thần tăng cường kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện cho Tổ công tác hoạt động hiệu quả, đúng mục đích.