Sáng 25-9, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ chủ trì, cùng các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì; hội nghị còn có sự tham gia của các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM.
Tại đây, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết cơ sở thực tiễn của đề án đã rõ. Theo đó, việc xây dựng thí điểm chính quyền đô thị ở Hà Nội và Đà Nẵng đã có Nghị quyết của Quốc hội, bên cạnh đó trong quá trình TPHCM xây dựng đề án, Bộ Nội vụ cũng đã tham gia để hoàn thiện Đề án Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.
Hội nghị thẩm định lần này, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị cơ quan thẩm định tập trung đóng góp các ý kiến vào nội dung đề án, như: căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn, quá trình xây dựng đề án, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, cử tri về đề án. Đặc biệt thảo luận việc cấp quận và phường tại TPHCM không tổ chức HĐND và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tại TPHCM khi không tổ chức HĐND quận và phường; nhiệm vụ, thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận, phường khi không có HĐND. Đồng thời cũng thảo luận, khi không tổ chức HĐND ở quận, phường thì ảnh hưởng tới phân bổ ngân sách ra sao…
Trước khi thảo luận, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, TPHCM đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, đề án để đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước, trong đó có Đề án Tổ chức chính quyền đô thi tại TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC
Đề án và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng trên cơ sở pháp lý là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở thực tiễn để thực hiện đề án là TPHCM đã có 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và đã đạt được kết quả tốt.
Trong quá trình xây dựng đề án, TPHCM đã phối hợp với các cơ quan, các cấp để đánh giá, so sánh với kết quả không tổ chức HĐND giai đoạn trước để đề xuất trong đề án hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM có 2 cuộc làm việc với Bộ Nội vụ để thảo luận và góp ý sâu hơn, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp mà thành phố đã đề ra, đồng thời đã gợi mở ra những nhiệm vụ, giải pháp mới; cũng như phân tích sâu những nội dung quan trọng của đề án.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, khi không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như: Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND TP; các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP; cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và đặc biệt là sự phản ánh của Khu phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho thấy, việc tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM tiếp tục tăng cường quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện vai trò giám sát khi không tổ chức HĐND quận, phường. Bên cạnh đó, thông qua các kênh, phương tiện công khai, minh bạch các chế độ, chính sách đến nhân dân; cung cấp, công bố các thông tin, các quy định, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến người dân.
Việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính quyền, cụ thể như: phân công thành viên UBND tham gia các cuộc họp của khu phố; qua hộp thư góp ý hoặc sổ góp ý; nghe người dân trao đổi, phản ánh ý kiến trực tiếp trong các cuộc họp hoặc gửi phiếu xin ý kiến về các công trình thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; góp ý các quy ước, công việc nội bộ khu dân cư. Khi không tổ chức HĐND phường, một số việc quan trọng, UBND phường thông qua khu phố và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để người dân tham gia ý kiến trước khi quyết định; lập sổ theo dõi phản ánh, kiến nghị của các trưởng khu phố để kịp thời giải quyết…
Ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết, việc đề xuất của TPHCM xây dựng đề án, đã có cơ sở pháp lý đầy đủ. Từ thực tiễn, TPHCM đã có 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường, qua đó đúc, rút được nhiều bài học kinh nghiệm.
“Chúng tôi ủng hộ quan điểm về đề án này để thực hiện theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phép TPHCM không tổ chức HĐND quận, phường; việc này, quan điểm của chúng tôi là không làm thí điểm mà áp dụng luôn các quy định của pháp luật. Những vấn đề chưa có trong luật sẽ được quy định trong Nghị quyết”, ông Hùng nêu quan điểm.
Trong khi đó, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng nhất trí cao với nội dung đề án.
Kết thúc buổi làm việc, sau khi xin ý kiến các cơ quan thẩm định, Hội đồng nhất trí thông qua Đề án Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.