Tham dự đầu cầu tại UBND TP. Hồ Chí Minh có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP và các đồng chí lãnh đạo, đại diện các sở ban ngành, và trực tuyến 24 điểm cầu của 24 quận/huyện trên địa bàn Thành phố.
Vực dậy kinh tế trong nước
Hội nghị được xem có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế. Trong đó, nhắm vào 4 mắt xích lớn: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đối phó với dịch bệnh Covid-19 các cấp, các ngành cần biến nguy thành cơ, làm cho nền kinh tế tăng tốc, đạt các mục tiêu đề ra. Thủ tướng cũng cảm ơn nhân dân đã đồng lòng chống dịch. Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu người dân, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao tinh thần chống dịch bệnh và cùng nhau vượt qua khó khăn, đảm bảo tăng trưởng. Nhắc lại những đánh giá của quốc tế về tình hình phòng chống dịch Covid19, và các dự báo tăng trưởng kinh tế Thủ tướng nêu cao tinh thần quyết tâm cho tăng trưởng kinh tế 2020 và 2021. Thủ tướng ví nền kinh tế trong nước như một chiếc lò xo bị nén đã lâu, sẽ vực dậy.
Thủ tướng đề nghị, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh, không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, không để doanh nghiệp áp lực với trả nợ ngay. Bên cạnh sự đồng hành của ngành Ngân hàng cùng doanh nghiệp vượt khó thì Thủ tướng cũng đề nghị điều hành các công cụ lãi suất, tỉ giá, tín dụng đảm bảo vĩ mô - điều này không chỉ ngân hàng mà các địa phương cần tập trung.
Đánh giá sơ bộ về tình hình tăng trưởng kinh tế, tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, cho dù đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực nhưng GDP của Việt Nam trong quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, bằng hơn 1/2 so với kế hoạch đề ra, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất từ năm 2014 tới nay.
Trong quý I, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn; các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ trên nhiều lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, mất việc làm của người lao động trong ngắn hạn.
Chính phủ nhìn nhận, đây là giai đoạn suy thoái nặng nề nhất, thậm chí hơn cả năm 2008 và chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay. Việt Nam đã triển khai một số gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, như: gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng)...
Ngoài ra, Chính phủ sẽ quyết liệt giải ngân hết gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD vốn đầu tư công trong năm nay... Trong bối cảnh suy thoái hiện nay đặt ra những vấn đề cấp bách đối với sự phát triển của đất nước. Đây cũng là thời điểm rất hệ trọng và cần phải có những biện pháp cấp bách, các cơ chế, chính sách để duy trì hoạt động phát triển kinh tế bình thường, song song với các nỗ lực phòng chống dịch, bảo vệ đời sống an sinh xã hội.
Thủ tướng nhận định dịch bệnh sẽ còn diễn biến khó lường, không được chủ quan. Dịch sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, phải có biện pháp mạnh mẽ để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Phải vươn lên mạnh mẽ, và nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện nghiêm túc các giải pháp.
"Hội nghị cần đưa được cơ chế, chính sách, giải pháp mạnh mẽ đúng và trúng để giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh, như lò xo bị nén bật mạnh ra để đuổi kịp thời gian. Chính phủ sẽ có nghị quyết để tập trung tháo gỡ khó khăn”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong quý hai chuyển sang trạng thái “bình thường mới”
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh, công tác phòng chống dịch diễn ra quyết liệt ngay từ đầu nên cũng như cả nước, tình hình dịch bệnh tại thành phố được kiểm soát, không rơi vào “giai đoạn dịch tăng tốc” như một số nước.
Hiện Thành phố chỉ mới sử dụng 3,5% công suất giường bệnh để phục vụ công tác chống dịch Covid-19. “Chúng ta cũng chưa phải trải qua giai đoạn tăng tốc, nhưng không chủ quan mà cần phải làm quyết liệt hơn công tác chống dịch. Thành phố chuẩn bị để vào giai đoạn sống chung với bệnh truyền nhiễm Corona nhưng không có dịch corona”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, với tình hình kiểm soát dịch tốt như hiện nay thì giữa tháng 5 có thể cho học sinh đi học trở lại. Đây cũng là thời điểm nghiên cứu cho sản xuất tăng tốc trở lại, phục hồi kinh tế.
Khái quát về về tình hình tăng trưởng kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội trên cả nước nói chung và TP nói riêng.
Theo đó, tổng sản phẩm GRDP trong 3 tháng đầu năm TP chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ (tăng hơn 7%). Mức tăng tăng trưởng của các ngành kinh tế thấp, giảm so với các kỳ năm trước. Trong đó, chịu tác động mạnh nhất là khu vực dịch vụ, giảm 1,2% so với cùng kỳ (tăng 7,7%). Khu vực này chiếm tỉ trọng 60,6% trong cơ cấu GRDP của TP.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức tăng trưởng GRDP thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Đặc biệt, khách quốc đến TP. Hồ Chí Minh giảm 42,2% trong khi cùng kỳ lại tăng 14%. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng giảm 1% trong khi cùng kỳ tăng 6,24%, đây là ngành chiếm 18,7% GRDP của TP. Cả 2 khu vực dịch vụ và công nghiệp đã chiếm 79,3% tổng giá trị sản phẩm của TP, tác động mạnh đến việc GRDP của TP 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,42%.
Về số vốn doanh nghiệp đăng ký mới, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết giảm 15,7% so với cùng kế và hơn 6.500 doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động. Thu hút FDI chỉ đạt 1,05 tỉ USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, việc thu ngân sách cũng gặp khó khăn khi chỉ đạt 88.241 tỉ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ. Tuy vậy, tỉ lệ đóng góp cho ngân sách quốc gia vẫn đạt 28% trong 3 tháng đầu năm.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định bước sang tháng 3/2020, tác động của dịch COVID-19 rõ hơn khi trung bình mỗi ngày làm việc chỉ thu được 947 tỉ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Chỉ đạt 57,9% so với mức thu trung bình của TP phải thu theo dự toán năm 2020 là 1.636 tỉ đồng/ngày mới đảm bảo dự toán ngân sách Trung ương giao cho TP.
“TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng chuyển sang “trạng thái mới” để tập trung phát triển kinh tế, xã hội khi dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát, có thể phát sinh ca mới nhưng không thành ổ dịch, không lây lan trong cộng đồng”, - ông Phong nhấn mạnh.
Trong đó, TP sẽ xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế đến cuối năm 2020, có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực ưu tiên... để đảm bảo mức tăng trưởng. Ngoài ra, TP sẽ thực hiện hàng loạt giải pháp như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung kích cầu du lịch sau dịch, kiểm soát chặt chẽ thị trường, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ, đẩy mạnh tỉ lệ giải ngân đầu tư công...
Về công tác phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TP vẫn đang kiểm soát tốt tình hình. Tính đến 8 giờ ngày 10/4, trên địa bàn TP có 54 ca nhiễm COVID-19, đã điều trị khỏi 37 trường hợp, 17 ca còn lại đang điều trị với tiến triển sức khỏe tốt, không có trường hợp tử vong, không có trường hợp nhân viên y tế bị lây nhiễm và chỉ còn 600 trường hợp cách ly tập trung trên tổng số 12.000 người cách ly từ ban đầu.
Hiện TP kéo dài thời gian cho học sinh, sinh viên trên địa bàn nghỉ học đến hết 19/4, riêng học viên khối giáo dục nghề nghiệp nghỉ đến hết 3/5. Đồng thời, TP đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để học sinh, sinh viên đi học lại an toàn.