Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

15:38 05/05/2021

(HMC) - Sáng 05/05, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo Khoa học “Định hướng phát triển TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Hoan và nhiều lãnh đạo các bộ ngành trung ương, các tỉnh thành phía Nam, chuyên gia các lĩnh vực.

Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Huyền Mai

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, TPHCM trong hơn 45 năm qua là đô thị lớn nhất của cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, ngày càng tăng cơ cấu ngành dịch vụ, giảm dần công nhiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được nâng lên giai đoạn 2016 - 2019. GRDP của TP tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% tổng thu ngân sách quốc gia.

Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, TP vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371 nghìn tỷ và đóng hơn hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Đặc biệt, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn đã tăng từ 61,1% năm 2016 lên 71,4% trong năm 2020. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của TP vẫn hiệu quả và khẳng định lần nữa sức mạnh nội tại của nền kinh tế TP.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc. Ảnh: Huyền Mai
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc. Ảnh: Huyền Mai

Với những điểm sáng nêu trên, đồng thời quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao, TPHCM đã chủ động triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11. TP đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt - văn minh - hiện đại - nghĩa tình; GRDP bình quân đầu người đạt 8500USD. Đến năm 2030 là TP dịch vụ công nghiệp hiện đại, TP văn hóa đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; GRDP bình quân đầu người đạt 13.000USD; là trung tâm về kinh tế tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, trở thành trung tâm kinh tế tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng đời sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000USD, là điểm đến của toàn cầu.

Để triển khai hiệu quả những định hướng đó, TP nhận thức cần phải phân tích đánh giá các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, nhất là khơi dậy được tiềm năng và thế mạnh của TP, tìm kiếm các mô hình giải pháp đột phá để phát triển TP trong bối cảnh mới.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự trân quý với ý kiến đóng góp và hiến kế của các chuyên gia cho TP. “Hội thảo đã nhận được hơn 80 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các trường Đại học, các sở ngành, quận huyện, Bộ tư lệnh Quân Khu 7, các doanh nghiệp gửi về. Những đóng góp này là tư liệu quý giá được kết tinh từ nghiên cứu và thực tiễn, là luận cứ quan trọng để lập quy hoạch phát triển TP trong thời gian tới”, ông Phong nói.

TPHCM cần có chính sách và giải pháp mang tính đột phá

Phát biểu tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch cho rằng, trong 10 -15 năm nữa, TPHCM sẽ là một trong những thành phố hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương. TP sẽ vươn lên trở thành một trung tâm đa chức năng, trong đó nổi bật là một trung tâm tài chính của khu vực và vươn tầm quốc tế.

Theo ông Lịch, để tiếp tục phát huy truyền thống “Năng động, sáng tạo” và giữ vững vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, TP cần ưu tiên hững chính sách và giải pháp mang tính đột phá như đột phá về hạ tầng giao thông kết nối Vùng, một mô hình quản lý đô thị phù hợp để phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí và vai trò của Thành phố và đặt TP Thủ Đức đúng vị trí vai trò động lực phát triển của Thành phố trong 10 năm tới.

TS. Trần Du Lịch cho rằng TPHCM cần có chính sách và giải pháp mang tính đột phá. Ảnh: Huyền Mai
TS. Trần Du Lịch cho rằng TPHCM cần có chính sách và giải pháp mang tính đột phá. Ảnh: Huyền Mai

“Trong các đô thị của Vùng, thì các đô thị như TP Biên hòa; thị xã Dĩ an; TP. Nhơn trạch… cùng với TP Thủ Đức sẽ hình thành một chuỗi đô thị, một khi giao thông kết nối được xây dựng hoàn chỉnh như các đường vành đai 2 và 3; các cầu vượt qua sông Đồng nai nối TP Thủ Đức với một phần TP Biên Hòa; TP Nhơn Trạch… Nếu nhìn trên quan điểm kinh tế Vùng và Vùng đô thị, thì việc xây dựng TP Thủ đức chính là bước đột phá để đẩy nhanh quá trình phát triển của các đô thị phía Đông của Vùng đô thị TP HCM”, ông Lịch nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã phát biểu tham luận xung quanh một số nội dung như sự phát triển của thành phố cần theo hướng đô thị bền vững, đô thị thông minh, trong đó cần tập trung đẩy nhanh chính quyền số, xã hội số, nâng cao chất lượng dịch vụ công; Định hướng cơ cấu kinh tế Thành phố trên quan điểm kinh tế vùng, thể hiện vai trò hạt nhân trong Vùng KTTĐPN, vùng Đông Nam Bộ.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng từng lĩnh vực quản lý, các sở ngành đưa ra dự báo nhu cầu đầu tư vốn ngân sách thành phố, dự báo về phát triển hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngoại ngữ phục vụ công tác đối ngoại. Bên cạnh một số giải pháp do các sở ngành kiến nghị và đề xuất, Hội thảo ghi nhận ý kiến chuyên gia về phát triển nguồn nhân lực thành phố, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, trong đó khâu then chốt là đổi mới công tác giáo dục đào tạo tiệm cận dần chuẩn quớc tế, ví dụ như thúc đẩy giáo dục STEM, mô hình cải tiến liên tục.

Quan trọng hơn, Hội thảo ghi nhận số giải pháp để thu hút các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong thời gian tới trên cơ sở kiến tạo cơ chế huy động những nguồn lực quan trọng như thu hút vốn FDI bền vững, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn lực xã hội.

Phân tích sâu hơn tác động của biến đổi khí hậu đến sự phát triển kinh tế Thành phố, đặc biệt một số ngành, lĩnh vực cụ thể, các ý kiến tham luận đưa ra một số đụnh hướng quản lý rủi ro biến đổi khí hậu và chính sách ứng phó biến đổi khí hậu để Thành phố phát triển bền vững. Đồng thời một số ý kiến cũng cảnh báo vấn đề ngập lụt ở Thành phố Thủ Đức trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh.

Ngoài ra, Hội thảo ghi nhận các nội dung liên quan đến phát triển du lịch bền vững, an ninh quốc phòng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố, mô hình bệnh viện thông minh, vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, định hướng phát triển ngành cấp nước thành phố.

Khang Minh

Tin cùng chuyên mục