Họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và triển khai nhiệm vụ tháng 6/2020

20:13 04/06/2020

(HMC) - Chiều 04/6, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Phước Thắng chủ trì buổi họp báo trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và triển khai nhiệm vụ tháng 6/2020. Tham dự tại đầu cầu UBND Thành phố có đại diện lãnh đạo các Sở - ngành, đơn vị.

Họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và triển khai nhiệm vụ tháng 6/2020
Buổi họp báo tại điểm cầu Trung tâm Báo chí Thành phố

Tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP do Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Từ Lương chủ trì với sự tham dự của phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố.

Tại buổi họp báo, có 14 vấn đề được phóng viên các cơ quan báo chí quan tâm. Trong đó, về việc hiện nay một số đối tượng người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Lê Minh Tấn cho biết, thực hiện chính sách an sinh xã hội, Thành phố triển khai hỗ trợ cho 07 nhóm đối tượng. Đến nay, 03 nhóm đối tượng hoàn thành việc hỗ trợ gồm: nhóm người có công với 32.500 người, kinh phí gần 50 tỷ đồng; nhóm bảo trợ xã hội 122.000 người, hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/3 tháng, kinh phí 183 tỷ đồng; nhóm thành viên hộ nghèo, cận nghèo với 107.000 thành viên, hỗ trợ 750.000 đồng/người/3 tháng, tổng kinh phí 85 tỷ đồng. TP. Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong cả nước về hỗ trợ cho 03 nhóm đối tượng này.

Hiện nay, còn 4 nhóm đối tượng chưa hoàn tất công tác hỗ trợ. Cụ thể: người mất việc không đủ điều kiện hưởng BHTN, (khoảng 47.500 lao động của 2.600 doanh nghiệp đăng ký), đến nay đã giải quyết được 20.000 lao động, đạt gần 45%. Nhóm 2 là giáo viên mầm non, nhóm trẻ, bảo mẫu ngoài công lập đã thực hiện hỗ trợ cho 9.000/13.800 người, mỗi người 1 triệu đồng. Nhóm 3, có 6.700 người chấm dứt hợp đồng lao động, nay đã giải quyết được 3.000 người, đạt gần 45%. Nhóm 4 là người bán vé số lưu động, lao động tự do, không ký kết hợp đồng lao động với 140.000 người, nay đã giải quyết được 70.000 người, đạt 50%. Vì cần có xác nhận thường trú và xác nhận chưa hưởng 01 triệu đồng ở nơi thường trú để được hưởng chế độ hỗ trợ tại TP. Hồ Chí Minh nên các nhóm đối tượng này bị chậm trễ trong nhận hỗ trợ.

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Lê Minh Tấn khẳng định: Không có vướng mắc gì về chính sách trong việc này, đây là nỗ lực chung của cả Thành phố nên cần làm thủ tục kỹ để tránh trường hợp lợi dụng chính sách nhằm trục lợi.

Về tình hình hoạt động của tín dụng đen, cho vay qua App được báo chí phản ánh vừa qua, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Nguyễn Thế Lâm cho biết: Công an TP tập trung triển khai nhiều biện pháp để ngăn ngừa, xử lý loại hình này. Hiện nay các đối tượng đã chuyển sang ứng dụng các phần mềm để cho vay online với thủ tục đơn giản, lãi suất cao (1-5%/ngày); người vay bắt buộc phải khai một số thông tin liên quan và đồng bộ danh bạ điện thoại, khi người vay trả không đúng hạn thì sẽ bị gọi điện thoại đòi nợ khủng bố theo nhiều cấp độ, kể cả đối với những người có trong danh bạ điện thoại của người vay.

Qua điều tra, nắm bắt tình hình, Công an TP nhận thấy có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là, đối tượng luôn biến hóa, tìm kẽ hở pháp luật để tạo ra phiên bản mới, cách thức thủ đoạn mới để phạm tội. Còn về nạn nhân của các đối tượng này, trên thực tế có một số ít người vay vì nhu cầu chính đáng, trong khi nhiều người vay để phục vụ mục đích không chính đáng nên khi bị khủng bố mới hốt hoảng. Công an TP đã xác định được 05 vụ, trong đó, có 1 vụ đã khởi tố, 4 vụ khác đang xác minh, điều tra để xử lý  theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chức năng, Công an TP đề nghị người dân nên cảnh giác với hình thức vay tiền này. Đồng thời, về quản lý nhà nước, đề nghị Ngân hàng tiếp tục cải cách thủ tục cho vay, nhất là vay nhỏ, để có một kênh cạnh tranh, người dân có thể tiếp cận nguồn vay vốn dễ dàng, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Liên quan đến phản ánh của báo chí về vụ việc Cảnh sát giao thông Tân Sơn Nhất lấy tiền của người vi phạm giao thông. Công an TP khẳng định, qua xác minh, có sự việc xử lý vi phạm hành chính vào thời điểm mà báo chí đã thông tin. Tuy nhiên, việc tố cáo có nhận tiền, qua làm việc với anh Phú (người vi phạm giao thông) đã cung cấp băng ghi âm, video clip, chụp ảnh xe đặc chủng của CSGT nhưng lại không nhận dạng được cảnh sát giao thông và số điện thoại được cho là gọi điện đòi tiền cũng không liên lạc được. Trong khi đó, Thượng úy Huỳnh Tấn Minh lại không nhận là có vụ việc này. Để làm rõ vụ việc này, Giám đốc Công an TP đã chỉ đạo, ra quyết định thanh tra, lập tổ thanh tra vụ việc này. Công an TP sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí khi có kết quả.

Trên lĩnh vực giáo dục, một số phóng viên, nhà báo quan tâm đến việc các học sinh thi dưới điểm chuẩn nhưng vẫn được vào học tại các trường công lập của Thành phố, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Lê Hoài Nam cho hay, nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh có chính sách đặc cách đối với con em trong ngành để tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên an tâm công tác. Chính sách này hợp tình nhưng không chặt chẽ về pháp lý nên Sở đã ngưng thực hiện từ năm 2019. 

Trả lời về đơn giá dịch vụ chống ngập tại TP. Hồ Chí Minh được đề xuất là 3.668 đồng/m2/tháng và liệu người dân có phải trả phí này hay không? Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Huỳnh Thanh Khiết thông tin: Hiện nay, việc xã hội hóa chống ngập trên địa bàn TP thực hiện theo chủ trương của Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND TP xem xét cổ phần hóa các công ty công ích quận, huyện thực hiện công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước theo hướng xã hội hóa và giao các công ty tư nhân thực hiện.

Năm 2020, Sở Xây dựng triển khai đấu thầu công tác duy tu, nạo vét cống thoát nước. Để thực hiện việc này phải tính định mức đơn giá của việc chống ngập. “Thành phố cần sự đồng hành của người dân nhưng TP sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm việc này. Vì vậy, người dân không phải chi trả chi phí cho việc chống ngập” - ông Huỳnh Thanh Khiết khẳng định.

Bên cạnh đó, hiện nay, Thành phố có hàng loạt dự án chống ngập đang trong quá trình thực hiện nên việc kết nối chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, các dự án chống ngập chủ yếu thực hiện trong trung tâm TP còn các vùng ven thì chưa xử lý triệt để dẫn đến tình trạng vẫn còn ngập úng tại một số tuyến đường trên địa bàn..

Trước câu hỏi, Thành phố có chủ trương đầu tư các trang thiết bị hiện đại như máy “siêu âm câu xanh” để khắc phục hiện tượng nhiều cây xanh bị gãy đổ và đồng loạt đốn hạ các cây xanh lớn ở trường học hay không?  Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Huỳnh Thanh Khiết thông tin: Sở Xây dựng chưa có kế hoạch trình và xin Thành phố đầu tư các trang thiết bị này vì chưa chứng minh được hiệu quả thực tế. Chủ trương của Sở là không đốn hạ toàn bộ các cây xanh lớn trong trường học; theo đó, Sở đã có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng  các ngành có kế hoạch chủ động kiểm tra trực quan khả năng ngã đổ của các cây xanh trong trường học, bệnh viện, công sở… để có phương án duy trì phù hợp.

Trao đổi với lãnh đạo các Sở - ngành, các phóng viên, nhà báo cũng bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề như giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; quan điểm về tình trạng siết chặt đất đai, phân lô bán nền ở TP. Hồ Chí Minh; Khu đô thị mới Thủ Thiêm; thí điểm hợp nhất 3 văn phòng Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân… Các câu hỏi đặt ra được Chánh văn phòng UBND Thành phố Hà Phước Thắng và đại diện các Sở - ngành - đơn vị trả lời trực tiếp.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục