Với khẩu hiệu “Chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11/2015 - Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam; Lựa chọn nội dung pháp luật để thông tin, phổ biến thiết thực, phù hợp, trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản của văn bản pháp luật mới có hiệu lực trong năm 2019, 2020; Các dự thảo chính sách, quy định của pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực thông tin, truyền thông nói riêng; những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội như: công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng, khiếu nại tố cáo, phòng chống dịch bệnh, tác hại của rượu, bia...
Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi pham pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong chủ động tìm hiểu và học tập pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức các hoạt động hưởng ứng hoặc chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật thông qua các hình thức hưởng ứng phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; chú trọng đổi mới, linh hoạt, tiết kiệm và có sức lan tỏa sâu rộng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa trong thực hiện Ngày Pháp luật tại đơn vị, tập trung một số hình thức như: Tổ chức mít – tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật hoặc lồng ghép hưởng ứng thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, qua hoạt động chính trị, chuyên môn phù hợp với điều kiện thực tiễn; lồng ghép trong triển khai hoạt động xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị…
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các hoạt động hưởng ứng cần được tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, nhất là trong tháng cao điểm bắt đầu từ ngày 15/10 đến ngày 15/11/2020.
Đặc biệt, trong tháng cao điểm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật, khuyến khích các cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động biên soạn tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật; hội nghị, tọa đàm đối thoại chính sách - pháp luật, tuyên truyền qua hệ thống áp phích, băng rôn.