Khai mạc Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khóa X

14:39 16/04/2020

(HMC) - Sáng 16/4, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khóa X. Chủ trì có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hội nghị lần này của Thành ủy TP diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, Thành phố đang cùng cả nước ngăn chặn nguy cơ, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP;  Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.

Trước giờ khai mạc Hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy đã triển khai trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND Thành phố, nhiệm kỳ 2016-2021 cho đồng chí Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.

Đây là thời điểm để chuẩn bị chuyển qua giai đoạn mới – “sống chung với dịch nhưng không có dịch”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như của Thành ủy, UBND Thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh; Thành phố đã không để dịch lan rộng trên địa bàn, đó chính là tiền đề quan trọng để duy trì trong thời gian tới. Hiện nay, Thành phố chỉ còn 8 người phải chữa trị Covid-19.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Đây là thời điểm để chuẩn bị chuyển qua giai đoạn mới - sống chung với dịch nhưng không có dịch"
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Đây là thời điểm để chuẩn bị chuyển qua giai đoạn mới - sống chung với dịch nhưng không có dịch"

Về những tác động của dịch bệnh đối với tình hình kinh tế, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định ý chí của Thành phố về quyết tâm chống dịch phải hi sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Thành phố, một số ngành nghề, trong đó có ngành dịch vụ giảm rất mạnh, riêng ngành ăn uống giảm 32% so với cùng kỳ, doanh thu của ngành giáo dục nói chung giảm 26%, bất động sản giảm gần 30%. Từ đó GDP cũng sẽ giảm, tăng trưởng kinh tế của quý I giảm 0,42% so với cùng kỳ.

Từ đó thấy rằng sản xuất còn khó khăn, số doanh nghiệp giải thể so với cùng kỳ tăng hơn 50%, tạm ngưng tăng gần 32% đây là hậu quả tất yếu của việc không có khách hàng tiêu dùng. Trong quý I, tội phạm hình sự tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, các lĩnh vực khác vẫn đảm bảo tăng trưởng và ổn định. Cụ thể, ngành sản xuất các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu vẫn duy trì tăng trưởng. Theo đó, xuất khẩu tăng 7,5% so cùng kỳ, chủ yếu là các ngành điện máy, điện tử, hoá chất… (tăng hơn 9,85 tỷ đô la Mỹ).

“Thời gian qua Thành phố đã dồn lực cho chống dịch, nên giờ đây sức bật sẽ tốt cho kinh tế - xã hội khi dịch giảm và được kiểm soát. Đây là thời điểm để chuẩn bị chuyển qua giai đoạn mới - sống chung với dịch nhưng không có dịch" - Bí Thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nói.

Bí thư Thành ủy cũng nhận định, việc thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến thu nhập giảm có liên quan đến con số tội phạm hình sự tăng 10% so với cùng kỳ. Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục các giải pháp an sinh xã hội, an dân, và nêu cao tinh thần toàn dân tham gia phòng chống tội phạm.

Nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm quý II, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng cần tiếp tục giữ vững mục tiêu trước hàng đầu là cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thật tốt và xem kết quả phòng dịch là tiền đề để làm việc khác.

Với những mô hình phòng chống dịch bệnh đã áp dụng mang lại kết quả thời gian qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tiếp tục thực hiện kiểm soát phòng dịch người vào Thành phố chặt chẽ để có biện pháp xử lý kịp thời những trường hợp có nguy cơ; trong đó chú ý công tác kiểm tra tại sân bay, ga xe lửa, các cửa ngõ TP... 

Theo thống kê của ngành y tế, bình quân cứ 1 người nhiễm sẽ tiến hành cách ly 280 người từ F1-F3, đây là giải pháp rất đặc thù của Việt Nam. Nhờ biện pháp này, tình trạng lây lan dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Ngoài ra, mỗi người dân phải tự ý thức đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay. Từng doanh nghiệp, ngành nghề, cơ quan xây dựng tiêu chí đánh giá tỷ lệ rủi ro, an toàn dịch cho cơ quan, đơn vị mình.

“Trên cơ sở đó thì chúng ta hoàn toàn có thể duy trì được tỉ lệ người nhiễm rất thấp. Cả nước có 268 trường hợp nhiễm và số ngày đã trải qua phòng chống dịch là 83 ngày. Bình quân mỗi ngày cả nước có 3,2 trường hợp nhiễm mới. Tình hình này hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của ngành y tế”- Bí Thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. Từ đó, Thành phố cần từng bước khôi phục lại kinh tế - xã hội. Dự kiến 15/5 Thành phố sẽ cho học sinh đi học trở lại. Từ đây đến đó, cần xây dựng được Bộ quy tắc trường học an toàn với Covid-19.

Khôi phục lại sản xuất kinh doanh, hoạt động đời sống trong một trạng thái mới trong quý II

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2020, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chú trọng tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thứ hai, làm theo kế hoạch công tác gắn với 10 nội dung thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố. Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo Đại hội đảng bộ các cấp cơ bản sẽ điều chỉnh tiến độ do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng cơ bản giữ vững tiến độ tổ chức đại hội đảng bộ Thành phố theo kế hoạch tháng 10/2020; trong đó chuẩn bị 4 chương trình, 3 đột phá, 1 chương trình trọng điểm...đại hội sẽ thông qua cơ bản những định hướng này.

"Quý I chúng ta rút ra cách để phòng chống dịch hiệu quả, tiếp tục làm, làm tốt hơn. Trong quý II khôi phục lại sản xuất kinh doanh hoạt động đời sống trong một trạng thái mới với tinh thần không có phát sinh dịch" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X

Tại hội nghị, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, cho biết trong quý I/2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, đã tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của cả nước, trong đó có Thành phố.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 tháng đầu năm ước đạt 335.682 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 7,64%). Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 88.241 tỷ đồng, đạt 21,7 % dự toán và giảm 8,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I, Thành phố thu hút được 1,05 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.

Về công tác triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, theo đồng chí Lê Thanh Liêm, ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh và tiếp nhận chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo Thành phố đã chủ động xây dựng các kịch bản phòng, chống, bám sát tình hình, điều chỉnh kịp thời các giải pháp qua từng giai đoạn diễn biến khác nhau của dịch bệnh; thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 cấp Thành phố và tại tất cả cơ quan, đơn vị.

Thành phố kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch và phương châm 5 "tại chỗ": chỉ huy tại chỗ; đảm bảo cơ sở cách ly, chữa trị, trang thiết bị, thuốc điều trị tại chỗ; đảm bảo nhân lực tại chỗ; kinh phí tại chỗ; xác định nhiệm vụ, phương án phòng chống dịch tại chỗ.

Bên cạnh đó, Thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Thành phố đã thông qua chế độ chính sách cho các đối tượng do ảnh hưởng dịch bệnh với tổng kinh phí 2.753 tỷ đồng, trong đó sẽ chi hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/người/tháng cho 600.000 lao động bị mất việc.

Đồng thời, Thành phố cũng thành lập Tổ công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình dịch bệnh Covid-19; ban hành Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp; công bố 1.073 điểm bán khẩu trang, 2.610 điểm bán các mặt hàng thiết yếu.

Thành phố cũng chỉ đạo cung ứng 7 triệu khẩu trang y tế, 40 triệu khẩu trang vải cho người dân; trang bị 10.000 bộ xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc, tầm soát rộng; chuẩn bị 36 khu cách ly tập trung với quy mô 24.000 giường; thiết lập hệ thống 4 cơ sở điều trị chuyên sâu Covid-19 với tổng quy mô 2.300 giường.

Theo chương trình, Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khóa X diễn ra trong 1 ngày. Các đại biểu sẽ thảo luận cho ý kiến về Báo cáo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội quý I; Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II năm 2020, cho ý kiến về Báo cáo cập nhật kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khóa X.

Ngoài ra, các đại biểu nghe Báo cáo kết quả thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước quý 1/2020.

Đình Nguyên - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục