Khánh thành công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng

14:43 03/01/2025

Sáng 3-1, UBND TPHCM tổ chức lễ khánh thành công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng, một trong các công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).

Đến dự lễ khánh thành, về phía TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM…

Lễ khánh thành công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Lễ khánh thành công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Về phía lãnh đạo tỉnh An Giang có các đồng chí: Trần Thị Thanh Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang; Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang;…

Về phía gia đình có bà Tôn Thị Tuyết Dung, con gái Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tiến hành dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tiến hành dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trước lễ khánh thành, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng và trồng cây trong khuôn viên bảo tàng.

Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu trồng cây trong khuôn viên bảo tàng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu trồng cây trong khuôn viên bảo tàng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bảo tàng Tôn Đức Thắng được UBND TPHCM ra quyết định thành lập vào năm 1988, với tên gọi ban đầu là “Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng” đặt tại số 5, đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1.

Đến năm 1990, Bộ VH-TT-DL ra quyết định số 894/QĐ đổi tên thành “Bảo tàng Tôn Đức Thắng”. Bảo tàng ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu học tập của nhân dân về cuộc đời và sự nghiệp Bác Tôn - người con ưu tú của nhân dân Nam bộ, người công nhân ưu tú của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động Sài Gòn - Chợ Lớn, là tấm gương, niềm tự hào của nhân dân Nam bộ thành đồng.

Một góc trưng bày trong không gian bảo tàng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Một góc trưng bày trong không gian bảo tàng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bảo tàng Tôn Đức Thắng đặt tại TPHCM, mang ý nghĩa đặc biệt vì phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động Sài Gòn vào những năm đầu thế kỷ XX, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời luôn gắn liền với tên tuổi Tôn Đức Thắng - người tham gia sáng lập tổ chức Công hội bí mật.

Ngày 30-10-2019, UBND TPHCM ra quyết định số 1656/QĐ – SXD – TĐDA về việc phê duyệt dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng, với quy mô của công trình có gần 2.000m² bố trí cho diện tích trưng bày, để đáp ứng yêu cầu chuyển tải các chủ đề trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề ngắn hạn, khu vực cho các hoạt động trải nghiệm và phục vụ cho các hoạt động văn hóa khác.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại lễ khánh thành. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại lễ khánh thành. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phát biểu tại lễ khánh thành, đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ: “Bảo tàng Tôn Đức Thắng thuộc loại hình bảo tàng danh nhân và là bảo tàng duy nhất trong cả nước kể chuyện cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng bằng ngôn ngữ bảo tàng. Bảo tàng Tôn Đức Thắng mang một sứ mệnh văn hóa - chính trị rất đặc biệt”.

Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham quan bảo tàng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham quan bảo tàng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, chính từ thành phố anh hùng này, vào những năm đầu của thế kỷ XX, người thợ máy Hai Thắng của xưởng Ba Son đã sáng lập tổ chức Công hội Bí mật và dẫn dắt phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tham gia tích cực, giữ vai trò nòng cốt, quan trọng trong các tổ chức và phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cho đến ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước bước vào giai đoạn xây dựng, bảo vệ và phát triển đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Lãnh đạo thành phố ghi nhận, biểu dương những cố gắng của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM và các đơn vị tư vấn, nhà thầu tham gia thực hiện dự án; của Bảo tàng Tôn Đức Thắng trong suốt quá trình xây dựng khối nhà và thi công trưng bày.

Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng là kết quả của sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố và những nỗ lực của các đơn vị tham gia thực hiện dự án đã giúp cho bảo tàng có được một công trình mới khang trang, đáp ứng nhiều công năng hoạt động".

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: "Trong thời gian tới, tập thể viên chức, người lao động Bảo tàng Tôn Đức Thắng tiếp nhận chính thức, quản trị và phát huy thật tốt cơ sở vật chất được bàn giao; nỗ lực phấn đấu phát huy truyền thống gần 37 năm hình thành và phát triển bảo tàng, vững vàng trong chuyên môn, năng động trong cung ứng các dịch vụ văn hóa và dịch vụ bổ trợ để phát huy tối đa hiệu quả công trình xây dựng mới đã được thành phố đầu tư, đồng thời thực hiện tốt việc quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xứng tầm với công lao đóng góp của Bác Tôn đối với cách mạng Việt Nam”.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng được xây mới và tổ chức các chủ đề trưng bày cố định của bảo tàng tập trung ở tầng 3 và 4. Tầng 3 gồm 3 chủ đề: Thời niên thiếu; Từ người thợ đến người lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn và 15 năm tù Côn Đảo. Tầng 4 gồm 2 chủ đề: Một hạt nhân đại đoàn kết dân tộc và Một vị Chủ tịch nước.

Bên cạnh đó, bảo tàng còn có các phòng tương tác trải nghiệm. Trong quá trình tham quan mỗi chủ đề, quý khách sẽ tự tương tác, trải nghiệm thú vị thông qua không gian trưng bày và không gian khám phá, tạo cảm giác vừa gần gũi vừa mới lạ, hấp dẫn.

Với cách thức trưng bày mới thể hiện ngôn ngữ riêng, độc đáo, nhằm tôn vinh những giá trị đặc sắc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, dựa trên trưng bày sử dụng hệ thống không gian hợp lý, tạo một lộ trình tham quan dễ tiếp cận và thoải mái nhất.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng có nội dung trưng bày được thể hiện theo cách nhìn mới, đa chiều, không rập khuôn, yếu tố con người được làm nổi bật trên nền tảng hệ thống đồ họa hiện đại, tính chuyên nghiệp cao, tạo ra bản sắc riêng cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Trưng bày thực hiện theo cách tiếp cận và diễn giải lịch sử sống động, giúp khách tham quan không chỉ được xem mà còn nghe và tương tác để khám phá lịch sử và tự trải nghiệm.

HỒNG DƯƠNG/SGGP

Tin cùng chuyên mục