Sản phẩm khá đa dạng, được quảng cáo xách tay từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Sự đa dạng, phong phú nguồn hàng từ thị trường góp phần giảm tải cho các kênh phân phối lớn, nhưng vô hình trung tạo áp lực sàng lọc nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho người tiêu dùng.
Nguồn cung dồi dào tại các “chợ trực tuyến”
Trưa 18-2, chị Phạm Thị Ngọc Hiền (ngụ đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TPHCM) tranh thủ tìm mua khẩu trang y tế cho người lớn và trẻ em. Thế nhưng, tới các cửa hàng thuốc tân dược quen thuộc, chị đều nhận được cái lắc đầu. Được người quen mách nhỏ lên mạng xã hội sẽ có đủ, thế là chị Hiền làm theo và mua được 2 hộp khẩu trang (người lớn và trẻ em) với giá tổng cộng 300.000 đồng, xuất xứ Nhật Bản.
Có thể sử dụng khẩu trang vải
Người dân nên chủ động bảo vệ sức khỏe bằng nhiều cách, trong đó có đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người. Bà con không nên chen lấn xếp hàng, mua khẩu trang số lượng lớn tích trữ. Người dân hoàn toàn có thể sử dụng khẩu trang vải tái sử dụng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, với điều kiện thường xuyên giặt sạch bằng xà phòng diệt khuẩn, phơi nắng, ủi nhiệt độ cao… Tuy vậy, việc sử dụng khẩu trang vải cũng nên chọn loại vải phù hợp, bảo đảm vừa vặn. Mặt khác, người dân cũng nên thực hiện tốt các khuyến cáo thường xuyên của Bộ Y tế thông qua các tin nhắn trên Zalo, qua đó biết cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho phù hợp.
Dược sĩ Đỗ Văn Dũng -Trưởng phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế TPHCM
“Mua khá dễ dàng, người ta giao hàng tận nơi. Sản phẩm có ghi dày đặc tiếng Nhật Bản và tiếng Trung Quốc. Mình thấy cũng tiện, vì một số đồng nghiệp của mình là giảng viên các trường đại học ở TPHCM cũng hay đặt mua, mặc dù giá này đắt gấp đôi so với trước khi có dịch Covid-19”, chị Ngọc Hiền chia sẻ.
Không riêng gì chị Hiền, mà rất nhiều người tiêu dùng không mua được trực tiếp tại cửa hàng đã tìm đến các nhà phân phối trên mạng xã hội để đặt mua. “Bên ngoài thị trường phải xếp hàng mệt mỏi, đợi bốc số thứ tự, có khi đợi vài ba ngày vẫn chưa mua được hàng, nhưng chỉ cần lên Facebook, Zalo… là đặt mua được ngay. Chủ yếu là hàng xách tay (Nhật Bản, Hàn Quốc…), cũng đáng tin cậy, nhưng giá thì khá mắc”, anh Lê Hiếu Thuận, một hướng dẫn viên tại TPHCM, cho biết.
Ghi nhanh trên các trang mạng, chỉ cần gõ chữ “Marketplace” sẽ lập tức hiện ra hàng loạt địa chỉ, số điện thoại của người bán, cùng cam kết số lượng hàng từ vài thùng đến hàng chục thùng khẩu trang (khoảng 50 hộp/thùng). Mức giá dao động từ 100.000 - 140.000 đồng/hộp loại khẩu trang y tế bình thường 3-4 lớp, tùy khách mua sỉ hay lẻ, nhiều hay ít. Cũng có những địa chỉ bán giá từ 35.000 - 40.000 đồng/hộp 30 cái giống như ngày bình thường, hoàn toàn không có chuyện tăng giá. Thế nhưng, khi gọi vào số điện thoại này để đặt mua thì người bán nói… vừa hết hàng và hẹn hôm sau gọi lại.
Tránh hoang mang, mua hàng tích trữ
Chiều 18-2, Cục Quản lý thị trường TPHCM thông tin, từ đầu tháng 2 đến nay, cơ quan này đã kiểm tra, xác minh 49 vụ, tạm giữ trên 340.000 khẩu trang, 86 kiện hàng (khoảng 150.000 cái), 826 hộp khẩu trang y tế các loại, 3 thùng với 2.194 cái vỏ hộp khẩu trang, 8 cuộn vải không dệt, 1.761 chai, 150kg nước rửa tay, gel rửa tay các loại… Số hàng hóa bị tạm giữ đều không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc.
Nên mua hàng có nguồn gốc
Người dân nên thận trọng khi chọn mua các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chạy theo tâm lý đám đông, mua hàng để trấn an tâm lý… Mọi người nên cung cấp thêm rau xanh, trái cây các loại giàu vitamin C, D; mang khẩu trang khi ra đường; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng… Trên thực tế, suốt thời gian qua, có khá nhiều trường hợp sử dụng khẩu trang tùy tiện, không đúng cách, làm tăng nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh. Không nhất thiết lúc nào cũng đeo khẩu trang, chỉ khi tiếp xúc nơi đông người, hoặc tiếp xúc với người về từ vùng dịch bệnh mới cần đeo khẩu trang…
Bác sĩ CK 1 Trần Hữu Vinh - Trung tâm Y học cổ truyền hiện đại Ánh An
Rảo một vòng tại các siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM như Co.opmart, Big C, mặt hàng nước rửa tay khô khá nhiều, phong phú. Riêng mặt hàng khẩu trang luôn “cháy hàng”. Theo lời một nhân viên bán hàng thì “khẩu trang đưa ra chừng nào là được bán hết chừng đó. Khách hàng chậm chân sẽ không mua được”. Ngược lại, nước rửa tay diệt khuẩn luôn đầy ắp, ê hề trên các quầy kệ. Bằng chứng là ghi nhận trong ngày 18-2, khá nhiều mặt hàng nước rửa tay (khô và dạng gel) các loại vẫn đầy ắp tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
Anh Lương Quốc Thanh, công tác tại một doanh nghiệp lữ hành lớn tại TPHCM cho hay, vài ngày nay anh đeo khẩu trang 3M-9332, loại mặt nạ phòng độc. Khẩu trang này được làm từ chất liệu sợi không dệt có màng lọc Melt-blown, có van thở một chiều, chống bụi siêu mịn, vi khuẩn… Tuy vậy, đeo suốt nên khiến anh cảm thấy mệt, khó thở. “Trong tình hình khẩu trang thiếu hụt, khan hàng như hiện nay chắc mình chuyển qua dùng khẩu trang vải cho tiện, vì tác dụng phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe cũng rất tốt. Cái chính là sử dụng khẩu trang thế nào cho tiện lợi, an toàn mà thôi”, anh Quốc Thanh tâm sự. Theo anh Thanh, thông tin từ một số doanh nghiệp chuyên cung ứng khẩu trang trên thị trường, hiện nay có tình trạng trà trộn, nhập nhèm xuất xứ, thậm chí sản xuất khẩu trang kém chất lượng để tung ra thị trường. Điều này đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, khuyến cáo, người dân chỉ nên mua sản phẩm vừa đủ dùng. Tránh tình trạng hoang mang, mua hàng tích trữ, tạo ra tình trạng khan hiếm ảo, gây tác động xâu đến toàn xã hội. Chưa kể, nắm bắt tâm lý này của bà con, sẽ xuất hiện những đối tượng đầu cơ trục lợi, bán hàng kém chất lượng, gây hại sức khỏe người tiêu dùng.