Khoanh vùng cách ly chặt để đảm bảo hiệu quả mà không ảnh hưởng đời sống người dân

15:33 15/03/2020

(HMC) – Sáng 15/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.

Ngoài điểm cầu chính ở Hà Nội, hội nghị còn đặt các điểm cầu trực tuyến ở tất cả tỉnh, thành khác trên cả nước. Tại TP. Hồ Chí Minh, có sự tham dự của ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP và ông Từ Lương, Phó GĐ Sở Thông tin – Truyền thông TP.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: TTXVN
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn ra phức tạp. Trong những ngày qua, liên tục có trường hợp được xác định mắc Covid-19. Các ca nhiễm chủ yếu là xâm nhập từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, nếu như nhiều nước không thành công ở việc xác định bệnh nhân F0 thì chúng ta lại làm được. Đó là điểm mạnh của chúng ta so với các nước.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, chúng ta cần phải "quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, triệt để hơn".

Đối với chiến lược phòng chống, Việt Nam vẫn kiên trì, quyết liệt với các mục tiêu đề ra như quyết tâm kiên trì ngăn chặn những ca xâm nhập, nhưng có thay đổi phù hợp hơn. “Nếu tiếp tục để những ca bên ngoài xâm nhập, làm lây lan trong cộng đồng, khả năng đáp ứng của chúng ta hết sức khó khăn. Do đó, chúng ta phải kiên trì và quyết liệt”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Chia sẻ về chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thứ tưởng Y tế cho biết: Hiện, Chính phủ đã quyết định tạm dừng nhập cảnh với công dân khu vực Schengen và Anh, và sắp tới có thể là những nước khác ở vùng tâm dịch.

Từ ngày 13/3, Việt Nam đã thực hiện việc cách ly y tế với hành khách đến và đi qua các các nước này trên các chuyến bay về Việt Nam để phát hiện những ca nghi ngờ. Chiến lược ngăn chặn mầm mống ngay từ ban đầu được triển khai kiên trì, kiên định và ở mức cao. Nhờ đó, mà đã phát hiện kịp thời một ca dương tính (BN51) và đưa vào cách ly ngay. “Nếu giả sử ca đó xâm nhập vào Việt Nam, sẽ có sự phức tạp như ca 34”, Thứ trưởng cho hay.

Thành công lớn nhất của Việt Nam là công tác cách ly. Nhiều nước tổ chức cách ly tại nhà với trường hợp tiếp xúc gần, nhưng chúng ta thì với những ca tiếp xúc trực tiếp và tiếp xúc gần đều được cách ly tại cơ sở tập trung.

Điều đáng chú ý, từ kinh nghiệm tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), khi tiến hành cách ly mức độ rất rộng, thì nay đã điều chỉnh để cách ly chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo cả về mặt y tế lẫn đời sống của người dân.

Về công tác điều trị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng cân phân tuyến ở tất cả các tuyến, kể cả tuyến xã phường vẫn tham gia. Những ca nhẹ, triệu chứng lâm sàng nhẹ thì cấp xã phường vẫn có thể điều trị. Chúng ta không nên tập trung mà nên phân tán, tránh áp lực quá tải lên tuyến trên. Nhưng vẫn luôn phải chuẩn bị sẵn sàng một kịch bản để ứng phó với việc quá tải.

Bên cạnh đó, một trong những thay đổi lớn của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 là thay đổi phương thức, mở rộng hơn đối tượng xét nghiệm. Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã thực hiện trang bị đầy đủ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở xét nghiệm, chỉ đạo các địa phương sản xuất bộ thử nghiệm, trao đổi kỹ thuật giữa các phòng labor với nhau.

Hiện nay, công suất xét nghiệm được đẩy nhanh lên, kết quả xét nghiệm trong 24 giờ, sẽ cố gắng rút ngắn thời gian trả kết quả trong thời gian tới đây.

Một trong những chiến lược đã thay đổi cục diện công tác phòng chống dịch bệnh chính là công nghệ thông tin. Thời gian qua, công tác truyền thông, thông tin qua các ứng dụng công nghệ đã đem lại nhiều hiệu quả , giúp người dân tiếp xúc tiệm cận, thông tin được cập nhật nhanh và minh bạch. Như việc nhắn tin tới hàng loạt thuê bao, các app phòng chống Covid, trang tin điện tử, tờ khai báo điện tử.

Nhờ công nghệ mà việc xác minh thông tin cũng nhanh chóng hơn. Việc áp dụng song song cả truyền thông truyền thống (văn bản) và công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác phòng chống dịch.

Hiện một số cửa khẩu vẫn tiến hành cho hành khách khai báo bằng tờ khai giấy, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh các cửa khẩu cần thực hiện tốt hơn nữa việc khai báo y tế điện tử để tránh gây ra ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu, sân bay và làm giảm thời gian từ việc phải nhập dữ liệu từ tờ khai giấy.

Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập văn phòng đặc nhiệm chuyên truy xuất nguồn gốc và lịch trình đi lại của hành khách. Trước đây, với chuyến bay VN0054, Việt Nam mất 4 ngày mới kiểm soát được hết hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Trong chuyến bay sau, chúng ta chỉ mất hai ngày và hiện nay mất nửa ngày để biết hành khách đang ở đâu.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin Truyền thông đã giới thiệu tổng quan các ứng dụng CNTT hỗ trợ phòng chống dịch, như: tờ khai y tế, sử dụng dữ liệu lớn theo dõi các ca nghi nhiễm, ứng dụng NCOVI (VNPT) và Vietnam Health Declaration (Viettel), ứng dụng của Mobifone, VN Post, MB Bank, DTT; phiên bản 1 bản đồ điều hành dịch, ứng dụng COVID-19…. Chỉ trong 41 ngày, đã có 16 giải pháp ứng dụng CNTT của 11 đơn vị phát triển. Các giải pháp này đã ứng dụng CNTT tiên tiến, hiệu quả ngay lập tức. Thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban ngành liên quan, không kể ngày đêm.

Nghiên cứu nhu cầu thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp trong cộng đồng 50k doanh nghiệp ICT muốn tham gia đóng góp. Tuy nhiên, các giải pháp cũng cần ứng dụng mạnh mẽ hơn, bùng nổ hơn, có nhiều đột phá và sáng tạo hơn nữa. Việc quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống, dữ liệu cần đồng bộ và liên thông. Ngoài ra, rất cần các Bộ, ngành khác nhau tham gia hỗ trợ trong việc tra cứu dữ liệu, thông tin và phối hợp xử lý.

Người dân tiến hành khai báo y tế điện tử - Ảnh: Thanh Hà
Người dân tiến hành khai báo y tế điện tử - Ảnh: Thanh Hà

Tại hội nghị, đại diện Cục y tế dự phòng và VNPT hướng dẫn ứng dụng khai báo y tế tự nguyện theo các bước. Theo số liệu thống kê nhanh, tính đến sáng nay, đã có hơn 9.200 lượt khai tờ khai y tế điện tử.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) cho rằng: Công tác sàng lọc cần phải được làm nhanh ngay tại các cửa khẩu. Để xác định sớm người có nguy cơ cao, cách ly ngay từ đầu.

Đồng thời, liên quan đến các app hướng dẫn phòng chống dịch, nhất là tờ khai y tế điện tử, cần thiết kế làm sao để mọi người dân đều dễ thao tác, kể cả những người dân ở vùng sâu, vùng xa mà vẫn đảm bảo người nước ngoài vẫn sử dụng được, vì chúng ta có áp dụng khai báo du lịch…

Về công tác cách ly, phải khoanh vùng chặt, xác định việc lây nhiễm như thế nào thì có kế hoạch cách ly cho phù hợp. Không cần cách ly vùng quá rộng nếu mà những khu vực xung quanh không bị ảnh hưởng. Xác định nguồn lây để cách ly, làm sao cho đỡ tốn kém mà vẫn đảm bảo hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục