Khôi phục sản xuất kinh doanh trong một “trạng thái mới”

17:27 16/04/2020

Sáng 16/4, Tại Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, yêu cầu từ kết quả kiểm soát tốt dịch Covid-19, sắp tới phải tiếp tục làm tốt hơn trong công tác phòng dịch để khôi phục lại sản xuất kinh doanh cùng các hoạt động đời sống trong một trạng thái mới.

Khôi phục sản xuất kinh doanh trong một “trạng thái mới”
Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản). Ảnh: CAO THĂNG/SGGP

Lên các phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh

Đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước và riêng TP. Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện nhân đề nghị: “Quý I chúng ta rút ra cách để phòng chống dịch hiệu quả, tiếp tục làm, làm tốt hơn. Trong quý II khôi phục lại sản xuất kinh doanh hoạt động đời sống trong một trạng thái mới với tinh thần không có phát sinh dịch”.

Theo đó, đồng chí Nguyễn Thiện nhân yêu cầu các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề… cần lên các phương án khôi phục hoạt động sản xuất trong một trạng thái mới - “sống chung với dịch nhưng không có dịch”. Sự vực dậy đó phải nằm trong nguyên tắc chung là Thành phố vừa thực hiện các nhiệm vụ nhưng đảm bảo an toàn, không phát sinh dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, về lâu dài muốn tăng thì phải tăng cầu. Điều này có nghĩa là phải tăng nhu cầu, phải có người cần đến hàng hóa dịch vụ, mà trước hết là nhu cầu tiêu dùng của 10 triệu dân thành phố.

Cũng theo đồng chí, nếu nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố tiếp tục giảm thì không có cách nào phát triển, tăng trưởng kinh tế được.

Trong lĩnh vực sản xuất, những mặt hàng gắn với xuất khẩu vẫn duy trì ở mức khá. Trong đó, xuất khẩu tăng 7,5% so với cùng kỳ, tập trung ở hàng điện tử, máy tính. Tính chung, xuất khẩu trong quý đạt hơn 9,85 tỷ USD trong quý 1. Trong 4 ngành công nghiệp chủ lực của TP. Hồ Chí Minh thì ngành điện tử (tăng 11%), hóa chất (tăng 8%) vẫn tăng, nhưng dệt may và cơ khí giảm. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất vẫn còn khó khăn, nhưng vẫn còn đang sản xuất và sắp tới có cơ hội tăng trở lại.

Đồng chí phân tích, nếu vẫn không có người đến mua hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh cũng như hoạt động dệt may, cơ khí khó khăn thì các doanh nghiệp trong các ngành nghề này ngưng hoạt động sẽ gia tăng. Trong quý 1, số doanh nghiệp giải thể tăng hơn 50% so cùng kỳ, doanh nghiệp tạm ngưng tăng gần 32%. Đây là hậu quả tất yếu khi không có khách hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, TP cùng với cả nước đã nỗ lực không ngừng kéo giảm số người mắc Covid-19 phải điều trị thì điều kiện phục hồi sản xuất, thương mại sẽ từng bước tốt hơn. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian qua đã được TP. Hồ Chí Minh thực hiện tốt. Đó là tổ chức phòng, chống dịch bệnh tốt. Đây là tiền đề mà TP vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức độ nhất định và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới: Không để xảy ra dịch, dù vẫn còn người mắc. Chúng ta sẽ chuyển sang trạng thái sống chung với người mắc nhưng có thể kiểm soát được để không có dịch.

Giảm giá điện nhằm mục tiêu khôi phục sản xuất

Theo báo Tuổi Trẻ, Bộ Công thương vừa có văn bản ngày 16/4 hướng dẫn hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Theo đó, giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh sẽ giảm 10% giá bán lẻ điện ở các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và thấp điểm.

Bộ Công thương có hướng dẫn về việc giảm giá điện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp - Ảnh: EVN
Bộ Công thương có hướng dẫn về việc giảm giá điện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp - Ảnh: EVN

Giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt sẽ giảm 10% từ bậc 1 tới bậc 4 (nghĩa là tất cả các khách hàng mua điện sinh hoạt sử dụng điện đều được giảm giá ở 4 bậc đầu - PV).

Khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch sẽ giảm giá điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh, xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất sau khi giảm giá.

Đối với giá bán điện nông thôn, giá bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư, giá bán buôn điện cho tổ hợp thương mại, dịch vụ, sinh hoạt thì giảm 10% giá bán điện với bậc 1 tới bậc 4 của giá sinh hoạt; 10% bán buôn điện cho mục đích khác.

Đối với giá bán điện cho các khu công nghiệp, giá bán điện cho chợ sẽ giảm 10%.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ Công thương, sẽ giảm tiền điện (trước thuế VAT) trực tiếp cho các cơ sở phục vụ phòng chống dịch COVID-19 mua điện từ các đơn vị thuộc EVN.

Bao gồm 100% tiền điện cho các cơ sở (không phải là khách sạn) được dùng để cách ly, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.

Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế được dùng để khám, xét nghiệm điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.

Giảm 20% tiền điện cho các khách sạn được dùng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.

Danh sách các cơ sở phục vụ phòng chống dịch COVID-19 được giảm tiền điện sẽ do Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND các tỉnh thành phố lập cung cấp cho các đơn vị điện lực triển khai.

Bộ Công thương cho biết tổng thời gian khách hàng được hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện là 3 tháng.

Đình Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục