Ghi nhận quyết tâm của nhiều địa phương trong công tác giải ngân vốn ODA và các cam kết đẩy nhanh tiến độ trong 02 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh, khi phát hiện và chỉ ra được những tồn tại thì phải có phương án khắc phục. Chỉ khi nào chúng ta quyết tâm, đưa ra một mục tiêu cụ thể thì mới hành động được, còn làm việc nửa vời thì không ổn.
Thủ tướng khẳng định, ODA là một nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, nhất là khi đất nước đang thiếu nguồn vốn phát triển, ngân sách Nhà nước chưa đủ để phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, giao thông… Vì vậy, các Bộ, ngành cần tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý liên quan đến vốn ODA theo hướng bài bản, cụ thể hơn để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này; lập kế hoạch ODA trung hạn 5 năm và chấm dứt tình trạng ghi danh mục mà không có dự án.
Cùng với đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ thực thi chính sách.
Cần chấm dứt tình trạng, trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu và cương quyết thay, đổi cán bộ “không biết làm việc”, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo các cấp trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm tồn tại để đẩy mạnh giải ngân. Các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về bố trí đủ vốn đối ứng, trong đó, tìm các nguồn hợp pháp để tăng vốn đối ứng, kể cả phương án vay tạm ứng; thực hiện nghiêm túc việc điều chuyển vốn ODA theo chỉ đạo, tránh tình trạng trả lại vốn quỹ dự toán.
Thủ tướng cho biết, từ nay đến cuối năm còn lượng vốn khoảng 41.000 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch Thủ tướng giao chưa được giải ngân. Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn này.
Về thủ tục pháp lý, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm đơn giản thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Đồng thời, sửa đổi Nghị định 56/2020 để đơn giản hóa quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện dự án và một số bất cập khác.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp hàng tháng trình Thủ tướng xem xét, điều chuyển nội bộ vốn ODA giữa các dự án trong Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các hiệp định vay sắp kết thúc năm 2020-2021, đừng để mất vốn.
Ngay sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy công tác giải ngân vốn ODA.
Đây là hội nghị lần thứ 3 trong 3 tháng qua do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì để kiểm tra tình hình giải ngân cũng như bàn về các nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, để làm sao giải quyết được “3 vấn đề tồn đọng” thường thấy khi giải ngân là vốn đọng (có tiền mà không tiêu được), nợ đọng (tức là hạng mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán) và thủ tục đọng.
Liên quan đến tình hình thiệt hại do bão, lụt tại các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các cơ quan chức năng, địa phương tập trung khắc phục khó khăn, hậu quả, đẩy mạnh hoạt động cứu trợ, cứu nạn, không để người dân “màn trời chiếu đất”, đói rét; tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển ở Bình Định, Khánh Hòa; tìm kiếm nạn nhân mất tích do lở đất ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.
Các Bộ, ngành tiếp tục vận động, hỗ trợ, giúp đỡ những người dân bị nạn. Chính phủ sẽ tiếp tục nắm tình hình để tổ chức hội nghị chuyên đề xem xét, xử lý vấn đề tài chính ngân sách khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt.