Khu vực hành chính công được cải thiện rõ nét

17:43 07/05/2020

Ứng dụng công nghệ vào khu vực hành chính công đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của năm 2019 cũng đã được cải thiện rõ nét.

Khu vực hành chính công được cải thiện rõ nét
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tham quan mô hình quy hoạch của huyện Nhà Bè, một trong những địa phương đang áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển đô thị tại Thành phố. Ảnh SGGP

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Theo tuyến báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) TP. Hồ Chí Minh nằm trong nhóm có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất.

Thông tin từ báo SGGP cho biết, báo cáo trên được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 địa phương tại Việt Nam. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao có: TP.HCM, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu…

Nhìn chung, điều tra PCI năm 2019 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế các địa phương đã giữ vững được xu hướng cải thiện theo thời gian. Một số chuyển biến rõ nét bao gồm mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách hành chính có kết quả tích cực…

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định: “15 năm qua PCI bền bỉ chuyển tải thông điệp về việc cần nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, PCI 2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay, xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy “dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn”.

Cùng quan điểm, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink chia sẻ: “Năm 2020 đánh dấu 15 năm thực hiện PCI và 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong 15 năm qua, chỉ số PCI có vai trò quan trọng thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh và tạo thuận lợi cho sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Dù vậy, các chuyên gia nhìn nhận rằng, không gian cải thiện vẫn còn rất lớn với chính quyền các địa phương. Có thể kể đến là việc tăng cường minh bạch thông tin đấu thầu, mua sắm công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư…

Đáng lưu ý, PCI 2019 đã phản ánh 5 khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải, bao gồm: tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, mặc dù tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam, song các doanh nghiệp FDI cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới giai đoạn hoạt động sau đăng ký, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế... Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp FDI mong muốn Việt Nam có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng.

Ứng dụng công nghệ vào hành chính công

Thời gian qua tại TP. Hồ Chí Minh các ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực hành chính công đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong giải quyết công việc. Công tác này vừa giảm được thời gian chờ đợi và tiết kiệm được chi phí cho người dân và cả bộ máy công chức. Đặc biệt, trong giai đoạn diễn ra các ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19 thì nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ đã được đưa ra trong điều hành và hoạt động hành chính công tại các cơ quan đơn vị.

Thực tế trên cũng là sự thấm thấu theo chỉ đạo của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung yêu cầu các Bộ, cơ quan và các địa phương tập trung ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính.

TP. Hồ Chí Minh đã ưu tiên nguồn lực, hoàn hành việc tích hợp, cung cấp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo kế hoạch năm trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia để đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tại TP. Hồ Chí Minh các đề án về Đô thị thông minh, Thành phố sáng tạo phía Đông và các đề án của từng quận huyện về ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành bộ máy hành chính công đang được đẩy mạnh. Điều này dự báo một sự thay đổi lớn trong công tác quản lý nhà nước mang tính hiệu quả, minh bạch hơn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng trong cơ chế thị trường, vai trò lãnh đạo thể hiện ở định hướng phát triển dịch vụ công nghiệp; ở quy hoạch, chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ và hỗ trợ đào tạo nghề. Bên cạnh đó cần quan tâm hơn đến việc thống kê năng suất lao động - yếu tố “quan trọng nhất” và lưu ý hướng tới 4.0 trong phát triển dịch vụ.

Đình Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục