Trắng đêm ở cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
Theo báo Tuổi Trẻ, tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) có nhiều bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh đã phải thức trắng nhiều đêm để phòng chống dịch COVID-19.
Gần 1 giờ sáng tại khu vực ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều người vẫn thấy một nữ bác sĩ với dáng người nhỏ nhắn nhưng luôn đi lại thoăn thoắt. Mỗi chuyến bay từ Hàn Quốc đáp xuống, cô lại dẫn từng nhóm hành khách qua khu an ninh làm thủ tục nhập cảnh, phân loại hành khách theo tỉnh, thành hoặc các quận, huyện trong TP và giao cho một nhóm khác để đưa hành khách về nơi được cách ly.
"Tôi thấy cô ấy làm việc liên tục suốt từ tối đến giờ, anh nói với cô ấy vào phòng làm việc nghỉ chút xíu. Tôi sợ cô ấy sẽ xỉu mất!". Trưởng tua trực của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đêm hôm đó đã nói với bác sĩ CK2 Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, như vậy.
Bác sĩ Thành quay sang nói với nhân viên của mình: "Em vào phòng làm việc uống chút sữa, nghỉ chút rồi ra ngoài làm tiếp cho đỡ mệt", nhưng bác sĩ nữ này trả lời: "Em làm cho xong rồi sẽ uống" và lại miệt mài làm tiếp.
"Làm cho xong nhanh nhất cũng đến 4-5 giờ sáng vì phải đợi những hành khách cuối cùng của các chuyến bay từ Hàn Quốc về, sau đó ghi đầy đủ thông tin để những hành khách này lên ôtô, được đưa về nơi cách ly theo đúng quy định" - bác sĩ Thành chia sẻ.
Khi xảy ra dịch COVID-19 tại Hàn Quốc, nhiều người Việt Nam đang sinh sống, học tập hay đi công tác... tại Hàn Quốc đã đặt vé bay về TP. Hồ Chí Minh. Mỗi đêm có khoảng 1.700 người từ Hàn Quốc trở về. Do hành khách từ đất nước đang có dịch trở về nhiều như vậy nên các bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã được huy động để hỗ trợ Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế.
Tất cả những người làm nhiệm vụ trong đêm hôm ấy gồm bên cảng vụ hàng không, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP... đều cố gắng để giải quyết cho hành khách được ra khỏi sân bay sớm nhất.
Bác sĩ Trương Thị Kim Nguyên - Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, cô gái làm việc hăng say trong đêm hôm ấy - kể hành khách xuống sân bay nhiều nên những người thực hiện nhiệm vụ phải làm việc liên tục. Đứng và đi lại suốt đêm cho đến khi xong công việc, hai chân của cô trở nên tê cứng, muốn khuỵu xuống!
Không phút nghỉ ngơi, không ngày cuối tuần là những gì đang diễn ra với các đội ngũ y bác sỹ, những người ở tuyến đầu chống dịch.
Bác sĩ Ngọc Thành kể ngày 28 tết, khi anh đang ở quê thì nhận được tin báo TP. Hồ Chí Minh có người Trung Quốc nhiễm COVID-19. Ngay lập tức, anh đã quay lại TP để cùng csac y bác sĩ phòng chống dịch bệnh.
Tình hình lúc đó diễn ra khẩn cấp nên anh và một số lãnh đạo của trung tâm phải ròng rã phòng chống dịch suốt những ngày tết. Kể từ đó đến nay, anh và một số anh em trong trung tâm không có ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật vì luôn phải trực chiến với dịch bệnh.
Có những ngày phải liên tục đi dự các cuộc họp về phòng chống dịch. Họp xong ở trung tâm lại chạy gấp sang họp ở Sở Y tế. Kết thúc buổi họp ở sở, chỉ đủ thời gian chạy đến UBND TP để bắt đầu một cuộc họp nữa. Những hôm như vậy chỉ uống nước chứ không có thời gian để ăn.
Những người làm công tác phòng chống dịch thường phải làm việc đến 8-9h tối mới được về nhà, thậm chí có những trường hợp khẩn thì phải làm xuyên đêm. Do dịch bệnh đang trong giai đoạn có thể diễn biến phức tạp, có nhiều công việc cần làm nên dù mệt mỏi, họ cũng không được nghỉ bù trong thời gian này.
Bệnh viện liên kết chống dịch
Những ngày gần đây, Bình Thuận đang trở thành một điểm dịch mới khi ngày 12/3 xuất hiện thêm 5 trường hợp dương tính với Covid-19 do có liên quan đến bệnh nhân 34.
Theo báo SGGP, Bệnh viện Chợ Rẫy vừa cử một đội phản ứng nhanh Phòng chống dịch Covid-19 nhanh chóng ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận nhằm hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại địa phương này.
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận gần 1 giờ sáng ngày 12/3, Đội phản ứng nhanh Phòng chống dịch Covid 19 của Bệnh viện Chợ Rẫy gồm: ThS-BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới; TS-BS Phùng Mạnh Thắng; BS Nguyễn Trọng Phương, Phó ca thường trực khoa Cấp cứu….
Các bác sĩ đã tiến hành một số trao đổi sơ bộ như hội chẩn về tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân, các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Đến sáng 12/3, đoàn và Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận đang tiếp tục làm việc chi tiết về công tác điều trị, sàng lọc bệnh, phòng chống nhiễm khuẩn… dựa trên các quy trình nghiêm ngặt của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương.
Sau đó, đoàn sẽ tiếp tục phối hợp cùng bệnh viện địa phương theo dõi và triển khai một số kế hoạch đề ra và chỉ quay về Bệnh viện Chợ Rẫy khi công việc tại Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận đã hoàn tất.
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kể từ khi Chính phủ công bố dịch Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai 2 đội phản ứng nhanh và sẵn sàng chờ lệnh.
Các thành viên trong Đội phản ứng nhanh luôn chuẩn bị sẵn balo, trong đó có đầy đủ các đồ dùng cá nhân, một số dụng cụ… và luôn trong tâm thế sẵn sàng để triển khai nhiệm vụ ngay sau khi nhận lệnh.