Liên thông phục vụ người dân khi lập TP Thủ Đức

13:21 25/12/2020

“Khi sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức trực thuộc TPHCM, cũng như sắp xếp 19 phường để thành lập 10 phường mới, yêu cầu đầu tiên là việc sắp xếp phải đảm bảo sự ổn định. Mọi thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp vẫn tiến hành bình thường, không được gián đoạn”- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ với PV Báo SGGP về việc TPHCM đang triển khai mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp các phường và thành lập TP Thủ Đức.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Bộ máy tinh gọn, hợp lý

- Phóng viên: Năm 2021, TPHCM triển khai chính quyền đô thị ở góc độ Bộ Nội vụ, ông kỳ vọng thế nào đối với việc thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ TRẦN ANH TUẤN: Tôi rất vui mừng khi đề án về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đã được Chính phủ thống nhất, thông qua và Quốc hội ban hành Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM theo nghị quyết của Quốc hội chắc chắn sẽ tạo ra những dấu ấn, điểm nhấn làm cơ sở, điều kiện cho TPHCM phát triển thời gian tới. Bởi vì, mô hình tổ chức chính quyền đô thị giúp TPHCM tổ chức các đơn vị hành chính tinh gọn, hợp lý, có hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Đây cũng là cơ sở để thực hiện tốt, hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra.

Quá trình triển khai thực hiện, đầu tiên, tôi mong muốn TPHCM phải căn cứ, bám sát vào Nghị quyết 131 của Quốc hội và nghị định hướng dẫn (dự thảo nghị định đang xây dựng - PV). Bên cạnh đó, TPHCM cần triển khai phù hợp với đặc điểm tình hình, đặc thù của TPHCM để tạo ra hiệu quả cao nhất trong thực tế.

- Ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của TPHCM trước sự kiện ngày 31/12, TPHCM công bố Nghị quyết số 1111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức?

Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của TPHCM trong công tác chuẩn bị để thực hiện Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. TPHCM đang làm rất tốt các khâu liên quan cho việc thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức với tổng diện tích hơn 211km2 và quy mô dân số hơn 1 triệu người.

Ở cấp xã, TPHCM sắp xếp 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận. TPHCM hiện có 24 quận, huyện với 322 phường, xã, thị trấn. Như vậy, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TPHCM sau khi thực hiện sắp xếp được tinh giản 2 đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã, còn 312 đơn vị hành chính cấp xã.

Xa lộ Hà Nội đoạn cầu vượt trạm 2. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Xa lộ Hà Nội đoạn cầu vượt trạm 2. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cơ chế nổi bật 

- TP Thủ Đức cần được trao cơ chế nổi bật nào để TP này phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng?

Nổi bật nhất là việc tổ chức bộ máy chính quyền tại TP Thủ Đức căn cứ theo Nghị quyết 1111 và dự thảo nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện mà Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan đang gấp rút hoàn thiện, trình Chính phủ vào cuối tháng 12/2020. Quan trọng là làm sao để có bộ máy tinh gọn, hoạt động thật hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu xây dựng TP Thủ Đức là TP động lực, cực tăng trưởng mới cho TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Về cơ cấu tổ chức và biên chế của UBND TP Thủ Đức, dự kiến gồm Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và 4 Phó Chủ tịch. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của công tác quản lý đô thị, UBND TP Thủ Đức có không quá 13 cơ quan chuyên môn, trong đó có phòng mới là Phòng Khoa học - Công nghệ. Số cấp phó của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức không quá 39 người. 

Theo dự thảo nghị định, TP Thủ Đức được thực hiện nhiệm vụ chi trả cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. UBND TPHCM trình HĐND TPHCM quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách TP Thủ Đức để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP Thủ Đức. TP Thủ Đức cũng được thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách TP Thủ Đức đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh, xã hội cho thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định, HĐND TP Thủ Đức được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP Thủ Đức để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. 

- Việc thành lập TP Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp phường cần được thực hiện ra sao để tránh gây xáo trộn trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp?

Khi sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức, cũng như sắp xếp 19 phường để thành lập 10 phường mới, yêu cầu đầu tiên là việc sắp xếp phải đảm bảo sự ổn định. Hoạt động của các đơn vị hành chính phải diễn ra liên tục, thường xuyên, đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu của người dân trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Như vậy, cơ quan hành chính các phường và quận liên quan vẫn phải hoạt động cho đến khi bộ máy hành chính mới hoàn thiện, đi vào hoạt động.

Để đáp ứng yêu cầu bộ máy tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp tại TP Thủ Đức và các phường, nhân sự được lựa chọn ở các vị trí phải đảm bảo đúng người đúng việc. Công tác nhân sự phải lựa chọn được những cán bộ có tâm, có tầm, đáp ứng được yêu cầu công tác trong giai đoạn mới. Cùng với đó, TPHCM cần có phương án sắp xếp, bố trí, hoặc giải quyết thôi việc với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những người này.

MẠNH HÒA/SGGP

Tin cùng chuyên mục