MIỀN NAM TRONG TRÁI TIM NGƯỜI: Khát vọng thống nhất non sông

10:34 12/05/2020

Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ấp ủ khát vọng cháy bỏng: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc, độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước và Bắc - Nam sum họp một nhà

"Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha" - mấy câu thơ trong bài "Bác ơi!" của Tố Hữu nói đến tấm lòng của người Cha già dân tộc với miền Nam và đồng bào miền Nam luôn mong mỏi Bác vào thăm. "Nỗi nhớ" ấy theo Người suốt 2 cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.

"Lòng tôi rất gần Nam Bộ"

Trong không khí sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, từ ngày 23 đến 28-8-1945, nhân dân Nam Bộ đã vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Lẽ ra, từ đây nhân dân ta được sống trong hòa bình, thế nhưng với dã tâm trở lại xâm lược nước ta lần nữa, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Nhân dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến mới.

Khi quân dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần này, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên và khẳng định: "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi" (1). Tháng 9-1952, Người tiếp tục động viên: "Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam Bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta" (2).

Sau khi Nam Bộ kháng chiến, từ miền Bắc, Bác Hồ nhiều lần viết thư động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam Ảnh: TƯ LIỆU
Sau khi Nam Bộ kháng chiến, từ miền Bắc, Bác Hồ nhiều lần viết thư động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam Ảnh: TƯ LIỆU

Theo bản Thỏa hiệp tạm thời giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với Chính phủ Cộng hòa Pháp, ngày 14-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố trong "Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về", đăng trên Báo Cứu quốc, số 384, ngày 23-10-1946, có dặn dò quân dân Nam Bộ: "Không được báo thù báo oán. Đối với những kẻ đi lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn lẽ phải mà bày cho họ. Ai cũng có lòng yêu nước, chẳng qua có lúc vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn. Nói lẽ phải họ tự nghe. Tuyệt đối không được dùng cách kịch liệt…". Dù vậy, chiến tranh có đạo của chiến tranh. Với kẻ địch, càng khiêm nhường, càng lấy lễ đối đãi với họ thì họ cho rằng mình nhu nhược, muốn nhảy lên đầu mình. Chỉ có tạo ra sức mạnh tuyệt đối mới vượt qua được những thế lực này. Nhẫn nại thì có thể nhưng nhẫn nhục thì không. Và trong suốt cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược từ Pháp đến Mỹ, "Bác nghe từng bước trên tiền tuyến/ Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa" (Tố Hữu - Bác ơi!).

Không ai có thể chia rẽ!

Trong "Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về" còn có đoạn: "Hỡi đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ.

Trung, Nam, Bắc, đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em. Cũng như nước Pháp có vùng Noócmăngđi, Prôvăngxơ, Bôxơ.

Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta".

Cũng trong lời tuyên bố này, Người khẳng định: "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc".

Chiến tranh không ai muốn nhưng khi cần phải bảo vệ gia viên của mình, người thân của mình, xóm làng của mình, đất nước của mình thì hầu như không ai ngần ngại. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập, tự do là khát vọng lớn nhất của Người: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu" (3). Trong các thư và điện văn gửi tới Liên Hiệp Quốc và chính phủ các nước vào thời gian sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố: "Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước" (4).

Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), Người khẳng định cuộc đấu tranh vì thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta là một sự nghiệp chính nghĩa và đặt niềm tin vào sự tất thắng của sự nghiệp vĩ đại đó: "Dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn và thực hiện kỳ được "thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà" (5). 

Đau đáu về miền Nam ruột thịt

Năm 1963, khi Quốc hội quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng cho Bác Hồ, Người đã cảm ơn Quốc hội và đề nghị cho phép chưa nhận phần thưởng cao quý này và nói: "Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân sẽ sung sướng, vui mừng" (6).

Những ngày cuối đời, cụ thể ngày 14-7-1969, khi tiếp nhà báo Cuba Mác-ta Rô-nát (Báo Granma), Người nói: "Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào" (7). Và chưa đến 2 tháng sau, Người đã ra đi.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, T.4, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2011, tr. 280.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, T.7, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2011, tr. 496.

(3) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Chính trị Quốc gia, H, 1994, tr. 44.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, T.4, sđd, tr. 469.

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, T.12, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2002, tr. 337-338.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, T.11, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2002, tr. 61-62.

(7) Hồ Chí Minh toàn tập, T.12, sđd, tr. 561.

VU GIA/NLĐO

Tin cùng chuyên mục