Trong đó, về quản lý đất đai, Thành phố đã triển khai rà soát, lập danh mục các dự án chuyển đổi mục đích trồng lúa, trình HĐND TP thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa.
Về quản lý đầu tư, UBND TP cũng trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư 05 dự án nhóm A sử dụng ngân sách TP với tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 01 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư tăng từ hơn 1.402 tỷ đồng lên thành gần 5.000 tỷ đồng. Tiến độ các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn khá nhiều so với việc trình các cơ quan Trung ương thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của TP.
Việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.
Theo đó, hiện nay có 3.359 cơ sở đang thực hiện nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; trong đó có 17 cơ sở là chủ đầu tư hạ tầng của 17 Khu công nghiệp/Khu chế xuât/Khu công nghệ cao, 13 cơ sở xử lý chất thải rắn, và 3.329 cơ sở ngoài khu công nghiệp có phát sinh nước thải sản xuất ô nhiễm phải xử lý.
Số phí thu được từ quý 2/2019 đến quý 2/2020 là 48.237.139.327 đồng. Nguồn thu nộp toàn bộ vào ngân sách để có thêm một phần kinh phí cải thiện môi trường, bổ trợ cho công tác duy tu, vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và cơ sở hạ tầng TP.
Việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho TP vay lại đã giúp TP có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển.
Chính sách chi thu nhập tăng thêm đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với điêu kiện TP, góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực, giúp TP đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Việc đẩy mạnh ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương đã phát huy được vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ.
Đồng thời, tạo sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị, nhất là kịp thời giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính trong các lĩnh vực có liên quan; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, một số nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch dự kiến. Nguyên nhân do có ý kiến khác nhau giữa các Bộ ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.
Cơ chế tài chính chưa được phát huy, TP chưa có nguồn vốn đầu tư hạ tầng. 3 năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở TP, do đó, Thành phố chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, TP cũng không có nguồn thu từ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện hiện cổ phần hóa doanh nghiệp đến nay không thể triến khai vì thiếu quy định, hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Ngoài ra, một số văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể hoặc đang chờ văn bản hướng dẫn nên các nội dung ủy quyền chưa thể triển khai thực hiện. Quy định đánh giá, phân loại hàng quý để chi trả thu nhập tăng thêmcho cán bộ, công chức, viên chức chưa theo kịp với tình hình thay đổi của thực tiễn…
Trên cơ sở đó, để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 54, UBND TP đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ - ngành sớm có hướng dẫn về Phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa để TP kịp triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra; Đẩy nhanh tiến độ kê khai, phê duyệt phương án và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước trên địa bàn TPHCM, tạo điều kiện cho TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để TP có thêm nguồn lực đầu tư phát triển.
Cùng với đó, xem xét và trình Quốc hội sớm thông qua Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2026 - 2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để Thành phố phát triển nhanh, bền vững.