Nếu tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM thì ngân sách Trung ương không giảm mà còn tăng​

16:33 29/07/2020

Góp ý cho 3 đề án của TPHCM - là đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”, đề án về tổ chức lại HĐND, đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM, các ý kiến đều bày tỏ mong muốn TPHCM tiếp tục phát huy nội lực, phát huy cơ chế chính sách đặc thù để phát triển mạnh hơn, bền vững.

Nếu tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM thì ngân sách Trung ương không giảm mà còn tăng​ - Ảnh 1

Hội nghị ngày 29-7. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngày 29/7, tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội  góp ý cho 3  đề án của TPHCM. Hội nghị do các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì; với sự tham dự của lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo các sở ban ngành của TPHCM.

Các ý kiến đều bày tỏ mong muốn TPHCM tiếp tục phát huy nội lực, phát huy cơ chế chính sách đặc thù để phát triển mạnh hơn, bền vững.

Tán thành tăng thêm nguồn lực cho TPHCM phát triển

Về Đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá các đề án được nghiên cứu sâu, tính thuyết phục khá cao, quan điểm của Ủy ban Kinh tế là ủng hộ TPHCM có mô hình sáng tạo, nguồn lực để phát triển mạnh mẽ. Với việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, Bộ Chính trị đã chỉ đạo bảo đảm để TPHCM phát triển, nhưng lại bị giảm. Vì vậy, dù TPHCM có tăng trưởng nhưng bị chậm, chưa có vượt trội.

“Ủy ban Kinh tế ủng hộ việc đưa tiền vào những vùng có động lực để tiền sinh sôi, nảy nở, tạo đà tăng trưởng. Hiện nay, hạ tầng giao thông nội đô của TPHCM cũng như liên kết với vùng phía Nam không bảo đảm cho phát triển, do đó rất cần thêm tỷ lệ ngân sách cho TPHCM phát triển. Tăng để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, đó là quan điểm cần được ủng hộ”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Theo ông, đề án đã cơ bản thuyết phục, nhưng tỷ lệ 23% hay bao nhiêu sẽ cần thêm ý kiến của các bộ ngành, nhất là Bộ Tài chính. Tỷ lệ điều tiết này cũng cần bảo đảm hài hòa với những nơi khác, vùng khác, không làm mất động lực của các địa phương, vùng khác, vì hiện mới có 16 tỉnh thành tự cân đối được ngân sách.

Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội trân trọng và đánh giá cao sự đóng góp của TPHCM với cả nước. TPHCM và Hà Nội là trụ cột, chiếm 45% ngân sách cả nước. Chia sẻ những thách thức của TPHCM, mà để giải quyết phải có nguồn lực, ông Đinh Văn Nhã cho rằng, tăng nguồn lực có nhiều cách, trong đó có tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, TPHCM cần suy nghĩ thêm ách khác để tăng nguồn lực phát triển.

Nếu tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM thì ngân sách Trung ương không giảm mà còn tăng​ - Ảnh 2

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nêu quan điểm, cân đối ngân sách cần bảo đảm sự hài hòa giữa các vùng, các địa phương. Vì là đề án báo cáo Bộ Chính trị nên căn cứ pháp lý phải rõ, vì nếu tăng tỷ lệ điều tiết phải sửa luật ngân sách.

Cùng với việc đặt vấn đề tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách thì TPHCM cần tính toán nguồn lực khác, vì giảm xuống 18% thì mỗi năm TPHCM chỉ bị giảm 9.000 tỷ đồng/năm, trong khi TPHCM cần là cần cả trăm ngàn tỷ đồng.

“Đồng ý điều chỉnh trở lại tỷ lệ điều tiết ngân sách trước kia cho TPHCM, song song đó TP cần nỗ lực để có thêm nguồn lực phát triển. Ủng hộ TPHCM có thêm các mô hình, động lực để phát triển”, ông Nguyễn Đức Hải nói.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc nghiên cứu để tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM là việc cần thiết, vì Bộ Chính trị đã có Nghị quyết, thời gian qua không những tăng lên lại còn bị giảm đi. Chia sẻ với những thách thức mà TPHCM đang gặp phải, nhất là các vấn đề về hạ tầng, xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đồng ý việc tính toán lại tỷ lệ ngân sách cho TPHCM để thêm nguồn lực cho phát triển.

Nếu tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM thì ngân sách Trung ương không giảm mà còn tăng​ - Ảnh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: QUANG PHÚC

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thông tin, tháng 10, Ban Kinh tế Trung ương cũng trình Bộ Chính trị Nghị quyết về đổi mới cơ chế ngân sách nhằm bảo đảm ngân sách Trung ương nhưng cũng bảo đảm nguồn lực cho các địa phương phát triển. “Nên chăng TPHCM tham gia xây dựng đề án này để bảo đảm nguồn lực cho TPHCM. Nên lồng ghép đề án của TPHCM vào đề án của Ban Kinh tế Trung ương, như vậy thì sẽ không phải sửa luật”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu ý kiến.

Nếu tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM thì ngân sách Trung ương không giảm mà còn tăng​ - Ảnh 4

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Nên giữ lại HĐND phường?

Với đề án thứ hai, TPHCM xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM. TP kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét thông qua đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM từ 1-7-2021. TPHCM đề xuất không làm thí điểm (như Hà Nội, Đà Nẵng) mà làm theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 mới thông qua.

Góp ý về đề án này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng Quốc hội vừa có Nghị quyết cho Hà Nội, Đà Nẵng thực hiện mô hình chính quyền đô thị, TPHCM nên cân nhắc, nghiên cứu thêm mô hình của Hà Nội, Đà Nẵng cũng như thực tiễn của mình để đưa ra được mô hình phù hợp nhất cho mình.

“Nếu bỏ hết HĐND quận, phường thì sẽ dồn lên HĐND TP cũng như vai trò giám sát, kiểm tra của thanh tra, MTTQ. Vậy lúc đó bộ máy HĐND TP như thế nào cả về cơ cấu, số lượng, chất lượng hoạt động? Làm thế nào để tránh chồng chéo trong kiểm tra, giám sát? Cần làm rõ cơ chế phối hợp thanh kiểm tra khi bỏ HĐND quận, phường”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đồng ý với đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM, nhưng vẫn còn băn khoăn: "TPHCM là một đô thị đông dân, nếu bỏ HĐND quận, phường thì HĐND TP có đảm đương nổi không?". Ông Đinh Văn Nhã đề nghị TPHCM nên cân nhắc chỉ bỏ HĐND quận, giữ HĐND phường.

Còn theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong khi Hà Nội, Đà Nẵng thí điểm còn TPHCM xin không thí điểm mà đề xuất làm luôn, thì liệu có phù hợp? Vì vậy, nên chăng TPHCM cân nhắc để thí điểm; có thể bỏ HĐND cấp quận nhưng nên giữ HĐND cấp phường.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, TPHCM đề xuất không thí điểm HĐND quận, phường nữa mà triển khai luôn, vì thế nên báo cáo rõ hơn về vấn đề thí điểm trước đó của TPHCM, vì hiện nay, Hà Nội, Đà Nẵng vẫn đang thí điểm.

Nếu tăng tỷ lệ điều tiết cho TPHCM thì ngân sách Trung ương không giảm mà còn tăng​ - Ảnh 5

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Về đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9, Thủ Đức, các ý kiến cơ bản đồng tình ủng hộ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội TPHCM Vũ Hồng Thanh đồng ý thành lập TP Thủ Đức vì sẽ tạo ra cú hích cho phát triển của TPHCM và cả nước. Nhưng theo ông, đề án chưa rõ các đột phá, cần làm rõ hiệu quả khai thác đất đai đô thị vùng ven đô. TP Thủ Đức phát triển cần những yếu tố gì cũng cần làm rõ theo hướng có thể tham khảo cơ chế chính sách đặc thù đã xây dựng cho đặc khu. Đặc biệt, cần có quy hoạch bài bản, đồng bộ để thu hút đầu tư, tính cả trong mối liên kết với các khu vực xung quanh. “Bài học kinh nghiêm của Quảng Ninh là có quy hoạch rất bài bản, do đó thu hút đầu tư rất tốt”, ông Vũ Hồng Thanh gợi ý.

Kết luận hội nghị góp ý, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh TPHCM sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh 3 đề án. Về đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định TPHCM sẽ tăng đóng góp cho Trung ương.

Theo đồng chí, TPHCM vẫn luôn nỗ lực để tăng trưởng, trong đó cả việc kết nối với các tỉnh xung quanh, trong khi đó hạ tầng giao thông kết nối rất kém mà giao thông là đột phá rất quan trọng. Để làm hạ tầng thì cần nguồn lực. Khi các địa phương xung quanh phát triển thì cả TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm cũng sẽ phát triển.

“TPHCM đã tính toán, nếu tăng tỷ lệ điều tiết lên 23% thì ngân sách Trung ương cũng không bị giảm, mà còn tăng ngân sách nộp về Trung ương như đã tính toán”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Về đề án bỏ HĐND quận, phường, đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, TPHCM căn cứ trên Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi có hiệu lực từ 1-7-2020. Ban đầu, đề án có từ thí điểm nhưng theo ý kiến Bộ Nội vụ phản hồi từ 1-7-2020 luật có hiệu lực rồi nên không thí điểm nữa.  Bên cạnh đó, TP căn cứ thực tiễn 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009-2016 thì mặt được nhiều hơn. “Tuy nhiên, TPHCM sẽ tiếp thu ý kiến về việc bỏ HĐND quận, phường thì cơ cấu, số lượng HĐND TP thế nào; phát huy vai trò giám sát của mặt trận ra sao, phối hợp thanh kiểm tra giữa các lực lượng thế nào. TPHCM cũng sẽ nghiên cứu ý kiến chỉ bỏ HĐND quận, giữ HĐND phường”, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết.

Về TP Thủ Đức, TPHCM đã chuẩn bị rất kỹ, TP sẽ tổ chức quy hoạch bài bản.

PHAN THẢO/SGGP

Tin cùng chuyên mục