Với kỳ nghỉ 4 ngày dịp lễ 2/9 sắp tới, nếu không đủ thời gian để xuất ngoại hay đi những chuyến nội địa dài ngày, du khách hoàn toàn có thể chọn hòa mình vào các hoạt động hấp dẫn ở các địa phương gần.
Đặc biệt, trước thực trạng lượng khách thường tăng mạnh trong kỳ lễ Quốc khánh, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp khi sử dụng các dịch vụ du lịch của người dân, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra một số khuyến cáo.
Vui Tết Độc Lập từ Nam ra Bắc
Ở đầu cầu phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật cả tầm cao và tầm thấp từ 21 giờ đến 21 giờ 15 ngày 2/9, tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (Thành phố Thủ Đức), và Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11).
Trong khi đó, tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), từ ngày 1-4/9 sẽ diễn ra các hoạt động hấp dẫn thông qua không gian chợ vùng cao và các hoạt động của đồng bào, trình diễn các hoạt động dân ca dân vũ, giới thiệu ẩm thực, sản vật dân tộc, vùng miền góp phần quảng bá văn hóa, du lịch địa phương.
Hơn 200 người là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Nùng, Tày, Dao, H’Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Raglai, Ê Đê, Khmer cũng tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, lễ hội sẽ tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng, kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc H’Mông, Nùng, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú...
Nghề Rèn Phúc Sen tỉnh Cao Bằng cũng được giới thiệu và trình diễn trong khuôn khổ chương trình cùng với màn trình diễn nghệ thuật múa Sư Tử mèo của dân tộc Nùng (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Đây là nét văn hóa đậm bản sắc truyền thống lâu đời của nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Tày, Nùng.
Bên cạnh đó, chương trình còn tái hiện nghi thức rước ma giữ lửa của đồng bào H’Mông, bao gồm các nghi thức tín ngưỡng: mời thần giữ lửa của gia đình, dòng họ; đón “ma giữ lửa” vào nhà nhận lễ; treo rọ (Thần giữ lửa) trong nhà… Du khách cũng được xem tái hiện Lễ cưới của dân tộc Nùng với nhiều thủ tục, lễ nghi khá đặc sắc…
Ngược lên mạn Tây Bắc, đến với vùng thảo nguyên Mộc Châu tươi mát, du khách sẽ được hòa mình vào dịp lễ hội lớn nhất năm của bà con H’Mông. Một năm người H’Mong sẽ ăn mừng 2 dịp lễ hội lớn nhất là Tết Nguyên Đán và Tết Độc Lập 2/9.
Lễ hội 2/9 Mộc Châu sẽ bắt đầu từ ngày 31/8-2/9 với những sắc màu sặc sỡ của các trang phục dân tộc truyền thống xúng xính, không khí rộn ràng tràn ngập khắp các bản làng, ngõ ngách, nẻo đường.
Lễ hội 2/9 Mộc Châu có nhiều hoạt động thú vị như Chợ tình Mộc Châu, các hoạt động giao lưu văn hóa. Chợ tình là nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc miền núi phía Bắc. Chợ tình tại Mộc Châu được tổ chức vào ngày 1/9 hàng năm, là nơi cho mọi người đến hò hẹn, trao duyên, gửi tình cảm, cùng nhau vui chơi thỏa thích và nâng chén rượu mềm môi sau những ngày lên nương rẫy vất vả.
Không chỉ có chợ tình, vào ngày 2/9 ở Mộc Châu, người dân các dân tộc Thái, Dao, H’Mông… cùng nhau xuống phố, giao lưu văn hóa, tổ chức những trò chơi dân gian như đánh còn, đánh đu.
Đến Mộc Châu dịp tết Độc Lập để cùng nhau trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất này cùng các hoạt động như diễu hành, các chương trình ca múa nhạc đặc sắc, thi nấu ăn, thi các trò chơi dân gian…
Khuyến cáo của cơ quan chức năng
Trước thực trạng lượng khách thường tăng mạnh trong kỳ lễ Quốc khánh, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đưa ra một số khuyến cáo nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân khi sử dụng các dịch vụ du lịch.
Theo đó, khách du lịch cần tìm hiểu kỹ các thông tin về các gói du lịch, đặc biệt là các chương trình tour, phòng khách sạn với mức giá rẻ hơn bình thường, lựa chọn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm bảo điều kiện theo quy định pháp luật: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế, Quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, văn bản thông báo kết quả kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch được cấp bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Du khách cần chủ động xác nhận lại các thông tin trong hợp đồng du lịch (xác nhận đặt phòng, chất lượng, giá dịch vụ, thời gian, chương trình du lịch, hướng dẫn viên du lịch; cơ sở vật chất đối với cơ sở lưu trú du lịch…); chủ động tìm hiểu thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại website: http://csdl.vietnamtourism.gov.vn.
Thanh tra Bộ cũng lưu ý một số hành vi vi phạm để khách du lịch chủ động phòng ngừa: Kinh doanh du lịch khi không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế hoặc không bảo đảm điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động; Có hành vi phân biệt đối xử với khách du lịch, tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ…
Khi phát hiện các hành vi vi phạm Thanh tra Bộ đề nghị các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin kịp thời cho Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại các địa phương, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua đường dây nóng./.
Số điện thoại đường dây nóng Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong giờ hành chính): 024.39437610/ 0904.342.536.
Địa chỉ hộp thư điện tử (tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo 24/24 giờ): duongdaynong@bvhttdl.gov.vn