Người Việt về nước tránh Covid-19: 'Cảm ơn Tổ quốc đã dang tay”

14:57 19/03/2020

Từ hôm qua 18/3, Việt Nam ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài trong một tháng để kiểm soát dịch COVID-19. Hôm qua cũng là ngày mà các cửa khẩu ở các sân bay quốc tế của Việt Nam đón lượng người Việt trở về nước đông một cách khác thường…

Người Việt về nước tránh Covid-19: 'Cảm ơn Tổ quốc đã dang tay”
Nhiều người Việt trở về nước tránh dịch bệnh Covid-19. Ảnh Dân Trí.

Dịch bệnh căng thẳng, nhiều người Việt trở về nước

Theo số liệu từ cơ quan quản lý hàng không, ngày 18/3, có tới 1.095 khách từ châu Âu và 5.700 khách từ khu vực ASEAN trở về Việt Nam. Các chuyến bay chở chủ yếu là người Việt từ nhiều nơi trở về nước qua các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh. Có 1095 hành khách từ châu Âu về Việt Nam trong đó có 999 người Việt và 96 người nước ngoài nhưng không lưu trú tại khu vực Schengen và Anh.

Theo báo Dân Trí, sự trở về của lượng lớn người Việt diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang bị dịch bệnh Covid-19 “truy quét”, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đóng cửa biên giới của toàn khối trong 30 ngày để ngăn virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) lây lan.

Đối với 999 khách Việt Nam, có tới 325 khách về từ Anh, Pháp và Đức. Đây là 3 quốc gia mà dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội. Số khách Việt còn lại đi trên những chuyến bay không xuất phát từ vùng dịch nhưng có tỷ lệ lớn khách nối chuyến từ châu Âu.

Cũng trong ngày 18/3, có 5.711 khách từ ASEAN về Việt Nam trên 78 chuyến bay.

Ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngoài các trường hợp nhập cảnh được cách ly tập trung hiện nay, thực hiện việc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu, các nước ASEAN; đồng thời thực hiện việc cách ly, giám sát y tế tại gia đình, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giám sát theo nhóm đối với các đối tượng không thuộc diện cách ly tập trung.

Người nhập cảnh từ vùng dịch sẽ buộc phải cách ly y tế 14 ngày. Ảnh: Nguyễn Khánh/Báo Tuổi Trẻ.
Người nhập cảnh từ vùng dịch sẽ buộc phải cách ly y tế 14 ngày. Ảnh: Nguyễn Khánh/Báo Tuổi Trẻ.

Báo Thanh Niên có bài viết về nỗi lòng cảm kích của những người Việt tha hương quay trở về. Một trong số đó có anh Thành Trần từ châu Âu về Việt Nam tránh dịch Covid-19. Anh Thành đi trên một trong các chuyến bay cuối cùng trước khi EU đóng cửa biên giới. Chia sẻ trên mạng, anh rất hạnh phúc vì được trở về: “Cảm ơn Tổ quốc đã dang tay”. Câu chuyện người Việt từ châu Âu về nước tránh dịch Covid-19 của anh Thành Trần sống và học tại Pháp, đi về từ Đức được hàng ngàn lượt chia sẻ, yêu thích. Anh Thành đã gọi chuyến bay của mình là chuyến bay nhân đạo khi chỉ có 18 hành khách trên máy bay 300 chỗ ngồi và hãng vẫn phục vụ chu đáo.

Anh Thành viết: “Khi máy bay đáp xuống Vân Đồn (Quảng Ninh), mọi người đều thở phào nhẹ nhõm: “Sống rồi!”. Anh Thành cho biết anh về đến sân bay Vân Đồn hai ngày trước và chuyến bay có 18 khách thì 17 khách là người Việt. Trước khi xuống máy bay, mọi người đều được khử trùng một lần, vào đến phòng khám khử trùng tiếp và lúc ra khỏi phòng lại thêm một lần nữa. Sau đó, cả 18 người trên cùng chuyến bay được đưa chung lên một xe để đưa đi cách ly ở một doanh trại tại Bắc Ninh. Anh tâm sự: “Suốt chặng đường từ sân bay đến nơi cách ly, tôi mới hiểu được vì sao Việt Nam phát hiện ca đầu tiên từ rất lâu, ngay sau Trung Quốc nhưng đến giờ này số ca nhiễm rất ít. Đó là vì chúng ta dồn hết tâm trí lực vào cuộc chiến này, với tâm thức phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong khi đó, châu Âu thì lại chọn phương cách khác”.

Đến giờ nghĩ lại, anh Thành vẫn cảm thấy rùng mình trong những ngày dịch Covid-19 vừa bùng phát ở châu Âu vì mọi thứ theo anh đều yên bình, mọi người vẫn vui vẻ, nhưng Covid-19 thì lặng lẽ thâm nhập vào sự vui vẻ, lạc quan ấy của mọi người.

Theo anh Thành, ý thức về việc đeo khẩu trang chính là một trong những nguyên nhân khiến dịch lan nhanh ở châu Âu. Ban đầu khi vừa có dịch ở Trung Quốc, vài người cũng đeo khẩu trang, nhưng sau đó truyền thông nói khẩu trang không có nhiều tác dụng trong phòng tránh dịch bệnh này, nó chỉ dành cho y bác sĩ. Từ đó, xuất hiện làn sóng kỳ thị những người đeo khẩu trang. Nhiều người đã mua khẩu trang nhưng ra đường không dám đeo vì sợ bị xa lánh, bị dòm ngó. Tới khi dịch bùng phát tại châu Âu, người ta lại không tìm ra được khẩu trang vì không có nguồn cung.

Có lần, anh Thành mua được một chiếc khẩu trang với giá 3 euro ở Pháp và chỉ được mua duy nhất một cái. Sau đó, cả khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn anh đều không thể mua được.

Ngày 14/3, anh quyết định phải trở về Việt Nam. Và cảm giác được đất nước dang tay chào đón trở về trong những ngày này là điều hạnh phúc không nói nên lời.

“Từ đáy lòng, xin chân thành cảm ơn Tổ quốc đã dang tay!”, anh xúc động viết trên trang cá nhân. Anh Thành mong muốn mọi người từ châu Âu về Việt Nam cũng như các nước khác về tránh dịch hãy tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu của nhà chức trách, của khu cách ly để bảo đảm sức khỏe của mình và cả cộng đồng.

Dùng ký túc xá, khách sạn, resort… làm nơi cách ly

Khi đón người dân từ khắp nơi trên thế giới về nước nhằm tránh dịch thì ap lực lớn về phòng chống dịch gia tăng. Một trong số đó là vấn đề điểm cách ly và lực lượng hậu cần chăm sóc cho người cách ly.

Tại TP. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố vừa có chủ trương chính thức trưng dụng ký túc xá ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (Khu phố 6, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức) làm khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19.

Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh), đây là "cuộc chiến" của quốc gia và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn ủng hộ phương án của lãnh đạo Thành phố. Sau cuộc họp, lãnh đạo ĐHQG đã chỉ đạo Trung tâm quản lý KTX chuẩn bị mọi công việc cần thiết để thực hiện phương án này.

"Hiện nay đa số các em sinh viên còn ở lại KTX đang trở về quê. Còn lại một số ít sinh viên vì điều kiện đặc biệt phải ở lại thì sẽ được bố trí ở một toà nhà riêng, tách biệt. Lối đi của sinh viên ở khu này cũng sẽ riêng biệt, không đi chung với khu cách ly. ĐHQG khảo sát thì có thể sẽ sử dụng toà nhà G1 của khu B sẽ sử dụng cho sinh viên ở riêng. Vì ở đây có cổng riêng để đi ra ngoài. Trung tâm quản lý KTX sẽ sử dụng rào để tách biệt với các khu còn lại. Dịch vụ ăn uống cũng sẽ cung cấp để sinh viên ở đây thuận lợi trong sinh hoạt" - ông Đạt cho biết.

Người cách ly tập trung được khử khuẩn để tránh lây chéo. Ảnh TN. 
Người cách ly tập trung được khử khuẩn để tránh lây chéo. Ảnh TN. 

Theo báo Người Lao Động, hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có 9 cơ sở lưu trú sẵn sàng cho chính quyền trưng dụng 641 phòng và 200 giường làm nơi cách ly người có khả năng mắc Covid-19.

9 cơ sở lưu trí đăng ký tham gia theo 2 hình thức: nhân viên của cơ sở lưu trú phục vụ khách cách ly theo hình thức có trả phí; cho mượn cơ sở lưu trú để sử dụng làm địa điểm cách ly tập trung.

Trong đó, một khách sạn 5 sao ở quận Tân Bình (350 phòng) và một số khách sạn, resort 2-3 sao sẽ cho làm nơi cách ly theo hình thức trả phí; một resort ở Cần Giờ cho TP mượn cơ sở.

Trong tối 18/3, Khu du lịch sinh thái Sài Gòn- Cần Giờ và Hòn Ngọc Phương Nam đã sẵn sàng đón khách đến cách ly tập trung.

Sở Du lịch cho biết sẽ tiếp tục vận động các cơ sở lưu trú trên địa bàn tham gia làm nơi cách ly có trả phí, góp phần chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực thực hiện việc chống dịch Covid-19. Đồng thời, cơ quan này cũng phối hợp Sở Y tế thống nhất quy trình đưa khách cách ly tại các cơ sở này; tập huấn cho nhân viên các cơ sở lưu trú.

Sở Du lịch và Sở Tài chính đang phối hợp tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh xây dựng định mức, nguồn kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở lưu trú cho mượn làm địa điểm cách ly tập trung.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng lớn người từ các nước có dịch về TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế phối hợp Bộ Tư lệnh TP tổ chức các khu cách ly tập trung của TP với quy mô 22.998 giường.

Đình Nguyên

Tin cùng chuyên mục