Tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP, có sự chủ trì của đồng chí Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí cùng đại diện 28 cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn.
Tại buổi họp báo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh các vấn đề mà dư luận quan tâm. Như quá trình điều tra vụ án Tuấn “khỉ; về quá trình xử lý các trường hợp vi phạm liên quan văn bản số 2285 ngày 26/3 của Sở Tài nguyên Môi trường TP; việc kiểm tra, giám sát thực hiện các Bộ chỉ số đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm Covid-19 trong các lĩnh vực; biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong những ngày đầu nới lỏng cách ly; các quán cắt tóc có được phép hoạt động không? Hay các vấn đề khác như công tác đảm bảo an toàn cho học sinh sau khi đi học trở lại; công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn những tháng cuối năm...
TP. Hồ Chí Minh có 12.378 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã thực hiện tự đánh giá rủi ro lây nhiễm dịch bệnh
Về việc đánh giá các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Hưng Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho hay, sau khi giao cho các doanh nghiệp tự đánh giá dựa trên Bộ tiêu chí về an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 thì các cơ quan chức năng sẽ thực hiện đánh giá lại một lần nữa dựa trên quy mô của doanh nghiệp. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP sẽ đánh giá đối với những doanh nghiệp có trên 3.000 công nhân. Các doanh nghiệp còn lại sẽ do các cơ quan chuyên môn của quận huyện đánh giá.
Theo thống kê ban đầu, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP đã tổng hợp được 12.378 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự thực hiện đánh giá. Kết quả cụ thể các doanh nghiệp tự đánh giá gồm ở mức độ rất ít rủi ro chiếm 60%; mức độ lây nhiễm thấp chiếm 28%; mức độ lây nhiễm trung bình chiếm 1%, mức độ lây nhiễm cao chiếm 0,1% và mức độ lây nhiễm rất cao không có doanh nghiệp nào.
Đối với các doanh nghiệp do các quận huyện báo về, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP giám sát được 7.500 doanh nghiệp. Trong đó doanh nghiệp có mức độ rủi ro rất ít chiếm 49,4%; mức độ rủi ro ít chiếm 38,7%; mức độ rủi ro nhiễm trung bình 1,8%; mức độ rủi ro cao và rất cao 0%.
Đánh giá về các khu cách ly, ông Nguyễn Hữu Hưng cho hay, trong những tháng qua các khu cách ly thực hiện rất tốt, công tác cách ly được thực hiện triệt để đã góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, trong những ngày qua TP không ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
TP. Hồ Chí Minh đã có hai loại hình cách ly, một là khu cách ly quận huyện, theo đó tất cả các quận huyện đều có khu cách ly với tổng số giường khoảng 1.000 giường. Hai là các khu cách ly TP, trong số những khu cách ly của TP chiếm nhiều giường bệnh nhất vẫn là khu cách ly KTX ĐH Quốc gia nhờ vậy mà chúng ta mới đảm đương được một lượng người về cách ly rất lớn. Riêng khu cách ly KTX ĐH Quốc gia trong thời gian qua đã đảm bảo được 8.000 giường. TP còn phối hợp với Bộ tư lệnh TP sẵn sàng chuẩn bị 7.000 giường ở khu cách ly.
Về công tác dự phòng khu cách ly, sắp tới sinh viên tại các trường ĐH đi học trở lại khu cách ly của ĐH Quốc gia sẽ được trả về cho cơ quan chủ quản để đảm bảo việc ăn ở, học hành cho sinh viên. Chính vì vậy, Sở Y tế TP cũng đã rà soát lại những khu cách ly còn lại đảm đương được bao nhiêu giường để chuẩn bị cho việc tiếp nhận người Việt từ nước ngoài về.
Ông Hưng cho biết thêm, trong thời gian qua không có trường hợp nào lây nhiễm trong khu cách ly. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt hơn nữa trong khu cách ly dự kiến về mặt chuyên môn Sở Y tế sẽ phối hợp với Bộ tư lệnh TP để làm sao người trong khu cách ly giãn cách hơn nữa, nếu được thì mỗi người sẽ một phòng. Sở Y tế còn phối hợp với các quận huyện để tìm thêm những cơ sở khác có thể bù đắp được số giường cách ly đã trả lại cho ĐH Quốc gia.
Sở Y tế cũng đã làm việc với hãng hàng không Việt Nam, người Việt ở nước ngoài có nhu cầu về Việt Nam sẽ phân bổ theo kế hoạch năng lực cách ly của từng địa phương để có sự phối hợp tốt hơn và việc cách ly được chủ động hơn.
Trong tuần sau, Sở GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch cụ thể về việc cho học sinh đi học trở lại
Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết hiện nay các cơ sở giáo dục đều có phương án liên quan đến phòng chống dịch. Do đó, Bộ tiêu chí đánh giá an toàn dịch bệnh trong trường học là cơ sở cho nhà trường rà soát phương án phòng chống dịch, hoàn thiện các phương án để đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh. Trên cơ sở đó thực hiện các biện pháp mà Sở GD&ĐT và Sở Y tế đã chỉ đạo như: vệ sinh khử khuẩn, trang thiết bị, khẩu trang…
Hiện các phòng chuyên môn đã bám sát chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là liên quan đến tiến độ, phương án thi, tiến độ hoàn thành chương trình,theo dõi giám sát học trực tuyến. Đó cũng là cơ sở để Sở GD&ĐT chuẩn bị khi học sinh đi học trở lại cùng với việc tổ chức học trực tuyến và học trực tiếp sẽ đảm bảo kết thúc chương trình, hoàn thành học kỳ 2 đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Hiện nay Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu kế hoạch chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại trình lên UBND TP. Sau khi có ý kiến của thường trực UBND TP, Sở sẽ hoàn thiện và ban hành kế hoạch thực hiện, dự kiến vào tuần sau.
Kỷ luật các cá nhân liên quan văn bản của Sở Tài nguyên Môi trường
Liên quan đến văn bản số 2285 của Sở TNMT, Chánh Văn phòng UBND TP cho biết có 3 cá nhân liên quan đến vụ việc, gồm bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TNMT; ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn; bà Trần Thị Hải Bảo Lâm, chuyên viên Phòng Quản lý chất thải rắn.
Đối với bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Hội đồng Kỷ luật TP đã họp và Chủ tịch UBND TP đã ra quyết định kỷ luật với hình thức "Khiển trách". Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập hội đồng kỷ luật và ra quyết định kỷ luật 2 cá nhân còn lại.
Đảm bảo đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu người dân sau khi nới lỏng giãn cách xã hội
Tại cuộc họp báo, Sở Công Thương cho biết trong thời gian cao điểm dịch vừa rồi phải cách ly xã hội, thì Sở này đã chuẩn bị đủ các mặt hàng thiết yếu đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc găm hàng, lên giá. Đặc biệt, hàng ngày đều có phân công cán bộ đi khảo sát, nắm thông tin để có công tác bổ sung nguồn hàng và bình ổn giá kịp thời.
Trong thời gian tới, khi xã hội giảm cách ly, Sở Công Thương đã lên kế hoạch đáp ứng đầy đủ mặt hàng. Khi học sinh đi học trở lại, Sở đã có sự chuẩn bị 13 triệu khẩu trang và nước rửa tay cho các em. Kế hoạch này đã được TP phê duyệt.
Tập trung đảm bảo an ninh trật tự từ đây đến cuối năm
Về tình hình đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 cũng như biện pháp sau khi trở lại trạng thái bình thường, đại diện Công an Thành phố cho biết trong giai đoạn ứng phó dịch Covid-19, Công an TP đã mở cao điểm đảm bảo trật tự an toàn xã hội từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/4.
Trong giai đoạn đầu thực hiện, tình hình an ninh trật tự còn có diễn biến phức tạp, Công an TP đã có chỉ đạo kịp thời để chấn chỉnh.
Ngay sau khi nới lỏng giãn cách, Công an TP đã chỉ đạo ngay các đơn vị triển khai các biện pháp ứng phó với việc người dân trở lại sinh hoạt bình thường sau thời gian cách ly, đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xa hội trên địa bàn. Đồng thời, nghiên cứu nguyên nhân để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp.
Công an TP sẽ thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra từ đàu năm, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh trật tự cho đại hội Đảng các cấp và năm ASEAN 2020 với các kế hoạch chuyên đề. Bên cạnh đó, tập trung vào cao điểm những tháng cuối năm, công tác chống ùn tắc giao thông.
Dịch vụ cắt tóc được hoạt động nhưng phải đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch
Liên quan thắc mắc của phóng viên về việc dịch vụ cắt tóc có được hoạt động hay không? Đại diện Sở Y tế cho biết hiện nay, các hoạt động làm đẹp như xăm chân mày, phẫu thuật thẩm mỹ… không phải là hoạt động thiết yếu nên chưa được phép hoạt động trở lại. Còn hớt tóc là hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu của người dân nên được phép hoạt động, nhưng phải đảm bảo thực hiện theo Bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.