Vừa đón các con bước vào năm học mới được chừng nửa tháng nhưng hầu như mọi công tác dạy và học tại trường Mầm non Phú La, Hà Nội đã đi vào nề nếp. Năm nay trường sẽ đón gần 1.000 học sinh nhập học. Các con ở lứa tuổi này cần sự chăm sóc toàn diện nhất, nên từ việc ăn uống đến sinh hoạt đều được Ban Giám hiệu và các cô nuôi dạy trẻ lên kế hoạch kỹ càng. Cũng chính vì vậy, trước khi triển khai chương trình sữa học đường, Ban Giám hiệu và các cô giáo cũng tìm hiểu cẩn trọng thông tin về đơn vị cung cấp sữa. Qua 2 năm thực hiện, 100% giáo viên trong trường đều ủng hộ và bày tỏ tin tưởng về chất lượng sữa học đường do Vinamilk cung cấp.
Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - giáo viên lớp A1 của Trường chia sẻ: Giáo viên chúng tôi đánh giá rất cao lợi ích của chương trình. Về mặt thể chất các bé đã tăng trưởng chiều cao rất nhiều so với các năm trước mà tôi phụ trách. Điều này được minh chứng qua những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm. Cụ thể, qua 1 năm học triển khai chương trình sữa học đường tại trường mầm non Phú La, với tỷ lệ 91% học sinh tham gia, thì sau lần kiểm tra sức khỏe gần nhất thể trạng các con được có cải thiện đáng kể, đạt 95% ở kênh phát triển bình thường, trẻ thừa cân, nhẹ cân đã giảm khoảng 3-4%.
Tại tỉnh Bình Định, trực tiếp tổ chức cho học sinh uống sữa, cô Cao Thị Lê Hằng, giáo viên Trường mầm non phường Bình Định cho biết: Trong thời gian nghỉ hè, giờ giấc sinh hoạt, ăn uống của các cháu hay bị xáo trộn, có khi không uống sữa thường xuyên do phụ thuộc vào lịch làm việc của cha mẹ và gia đình. Vì vậy, khi đi học lại thì các bé sẽ được các cô tập lại nếp sinh hoạt điều độ phù hợp với độ tuổi và xây dựng thói quen uống sữa đúng giờ.
Hơn nữa, giáo viên còn khéo léo lồng ghép việc dạy kỹ năng sống, rèn nếp sinh hoạt và cách ứng xử lễ phép cho bé trong mỗi giờ uống sữa trên lớp. Chẳng hạn trước khi uống sữa, bé đã nhớ đi rửa tay cho sạch, lúc nhận sữa bé biết nói: “Con xin cô!”, “Con cảm ơn cô!”. Được xếp hàng nhận sữa rồi được các cô dạy cách gấp vỏ hộp sữa để đúng nơi qui định các bé tỏ ra rất thích thú và tự giác thực hiện. Việc gấp vỏ hộp sẽ rèn cho bé thói quen ngăn nắp gọn gàng, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cô giáo có thể tận dụng các vỏ hộp sữa để cùng học sinh làm các đồ dùng, đồ chơi trang trí góc học tập của lớp mình.
Chia sẻ về đề án sữa học đường triển khai tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, cô Phạm Thị Kim Huế - Hiệu trưởng trường Mầm non Phú La, Hà Đông, Hà Nội rất hoan nghênh ý nghĩa nhân văn của chương trình bởi các con đều được uống sữa trên lớp bình đẳng như nhau, vừa vui, lại vừa tiết kiệm một phần chi phí cho cha mẹ.
Cô Kim Huế cũng thông tin thêm: “Đầu năm học 2020-2021, nhà trường tổ chức buổi họp Ban đại diện phụ huynh của 20 lớp để phổ biến chương trình đầu năm học của các con, đồng thời cũng muốn nắm bắt ý kiến của cha mẹ học sinh về chương trình sữa học đường. Qua cuộc họp, hầu hết các ý kiến đều ủng hộ việc triển khai rộng rãi, “phổ cập" chương trình uống sữa học đường để các con tiếp tục được cải thiện tầm vóc và trí tuệ.”
Còn tại Đà Nẵng, địa phương là “điểm nóng” của làn sóng Covid-19 từ hồi tháng 7, song song với công tác đảm bảo phòng chống dịch, các trường học, đặc biệt là cấp mầm non quan tâm đặc biệt tới việc chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh. Trong giai đoạn này, chương trình sữa học đường đã được triển khai ngay ngày đầu đón trẻ quay lại trường sau thời gian giãn cách do dịch bệnh.
Bày tỏ sự đồng tình với chương trình uống sữa học đường của con, anh Đặng Văn Tuấn là phụ huynh học sinh trường mầm non Phú La cho biết: “Ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình cho trẻ uống sữa học đường, gia đình chúng tôi đã đăng kí luôn cho con được uống sữa trên lớp. Tôi thấy chương trình này mang lại nhiều lợi ích cho các con, các con được uống sữa đúng giờ, đúng liều lượng kết hợp với các bữa ăn xen kẽ là rất hợp lý, đủ dinh dưỡng. Được biết nhà cung cấp sữa là Vinamilk thì gia đình chúng tôi thấy hoàn toàn yên tâm về nguồn sữa.”