Phản ánh của báo chí là cơ sở để các Sở - ngành hoạt động tốt hơn

17:51 23/07/2020

(HMC) - Chiều 23/7, Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức họp báo về các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm 2020. Chánh Văn phòng UBND TP Hà Phước Thắng chủ trì họp báo. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở - ngành, đơn vị cùng 37 phóng viên, nhà báo đại diện cho 34 cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố. Buổi họp báo được truyền trực tuyến tại Trung tâm Báo chí TP.

Phản ánh của báo chí là cơ sở để các Sở - ngành hoạt động tốt hơn
Họp báo thu hút nhiều phóng viên, nhà báo tham dự tại đầu cầu Trung tâm Báo chí TP.

Những nội dung được các phóng viên, nhà báo tập trung trao đổi nhiều liên quan đến công tác cán bộ, lĩnh vực đất đai, an ninh trật tự, hạ tầng giao thông, môi trường, giáo dục, các dự án trọng điểm của Thành phố…

Trong đó, một số nhà báo đặt câu hỏi liên quan đến quy trình bổ nhiệm cán bộ của TP, nhất là sau vụ ông Phan Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, nguyên Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP - vừa được bổ nhiệm hồi tháng 5/2020 thì đến tháng 7/2020 bị khởi tố. 

Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm trả lời báo chí
Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm trả lời báo chí

Trả lời về việc này, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho biết: không có quy định lấy ý kiến cơ quan chức năng của Bộ Công an khi bổ nhiệm cán bộ. Do đó, việc Bộ Công an điều tra và chuẩn bị khởi tố thì Sở không nắm được. Còn trong quy trình lấy ý kiến các cơ quan của TP, kể cả Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP về công tác cán bộ thì không phát hiện sai phạm của ông Phan Trường Sơn. Trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu Thành ủy TP và UBND TP để chấn chỉnh tình trạng trên.

Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm thông tin thêm: Về tình hình xử lý cán bộ vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, Thành phố đã tổ chức kiểm điểm với huyện Bình Chánh, Thủ Đức và Củ Chi theo kết luận Thanh tra TP. Sở Nội vụ đang lấy ý kiến các ngành về việc đề xuất các hình thức kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm. Sau đó, trình cấp thẩm quyền phê duyệt và sẽ công khai thông tin kết quả xử lý.

Ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm thông tin báo chí
Ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm thông tin báo chí

Liên quan đến tiến độ tổ chức đấu giá 55 lô đất còn lại trong Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, mức giá khởi điểm, số tiền dự kiến thu về cũng như việc sử dụng các khoản tiền thu được, ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, cho biết theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, có 55 lô đất còn lại phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Thành phố tổ chức rà soát các dự án đã giao đất cho các nhà đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khu 2C gồm 6 lô. Do vậy, KĐTM Thủ Thiêm sẽ có 61 lô được đem bán đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang thẩm định giá khởi điểm, trong tuần sau sẽ trình UBND TP báo cáo Hội đồng Thẩm định giá để có giá khởi điểm tổ chức đấu giá.

Ông Minh thông tin TP đã xin ý kiến Thủ tướng về việc mở tài khoản về quỹ tiền đấu giá. Nguồn tiền này sẽ được sử dụng để hoàn trả nợ vay, chi đầu tư (bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) và hoàn trả khoản tiền Thành phố đã tạm ứng ngân sách.

Ông Lê Trung Tuấn Anh - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TP
Ông Lê Trung Tuấn Anh - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TP

Trả lời báo chí về tình trạng ô nhiễm mùi hôi tại bãi rác Đa Phước, ông Lê Trung Tuấn Anh - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TP cho hay: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước hiện có 3 đơn vị đang hoạt động gồm: VWS (Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam) - xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn xanh - xử lý bùn thải từ nạo vét và nhà máy nước, Công ty cổ phân dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình - xử lý bùn hầm cầu. Trong đó VWS là đơn vị bị người dân phản ảnh nhiều nhất do gây ra mùi hôi khiến đời sống người dân khu Nam thành phố bị ảnh hưởng.

Lý giải về mùi hôi được người dân phản ánh, theo đại diện Sở TN&MT, do mùa mưa nên độ ẩm không khí cao, mùi hôi không thể khuếch tán lên cao và gặp phải gió Tây Nam nên ảnh hưởng đến các khu vực phía Nam TP.

Để giảm tải ô nhiễm, Sở đã yêu cầu phía bãi rác Đa Phước thực hiện 10 giải pháp thường xuyên hằng năm để khống chế mùi hôi. Ngoài thực hiện 10 giải pháp bắt buộc do Sở đề ra, phía VWS còn thực hiện một số giải pháp tức thời hàng năm như: hạ thấp độ cao chôn lấp xuống còn 13m, thấp hơn 1m so với năm 2019; gắn hệ thống phun sương chất khử mùi dọc khu tiếp nhận rác dài 450m, lắp thêm các đầu đốt vào các ống thu khí … Về giải pháp lâu dài, Sở TN&MT đang đôn đốc phía chủ quản bãi rác Đa Phước nhanh chóng hoàn thiện dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt rác phát điện.

Ông Lê Trung Tuấn Anh chia sẻ thêm, để phản ánh về tình trạng rác thải, người dân có thể liên lạc qua Ban Quản lý khu Phú Mỹ Hưng, số đường dây nóng MBS và tổng đài 1022.

Trên lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), các phóng viên quan tâm đến việc triển khai tuyến buýt đường sông và hiệu quả của loại hình GTVT này.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Hòa An cho hay, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên thí điểm triển khai tuyến buýt trên sông được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuyến buýt trên sông Sài Gòn có 02 tuyến là Bình Thạnh - Bình Dương và Bình Thạnh - Thủ Đức với 19 nhà ga.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Hòa An trả lời báo chí về triển khai tuyến buýt đường sông 
Phó Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Hòa An trả lời báo chí về triển khai tuyến buýt đường sông 

Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ bàn giao 07 nhà ga và đưa vào hoạt động tuyến buýt Bình Thạnh - Thủ Đức. Việc hoạt động của tuyến buýt sông được đánh giá chưa thật sự hiệu quả, vì hành khách chưa quen với hình thức vận tải này, hiện tại hành khách chủ yếu là khách du lịch. Bên cạnh đó, hệ thống kết nối chưa đồng bộ, tại các nhà ga chưa có nhà chờ, nhà vệ sinh, điểm đón xe taxi, xe buýt, xe ôm công nghệ… Sở GTVT đã tổ chức làm việc với nhà đầu tư để báo cáo UBND TP có hướng tháo gỡ, bàn giao tốt các nhà ga còn lại cho nhà đầu tư và phát triển loại hình vận tải này.

Tại cuộc họp báo, đại diện Công an TP đã cung cấp thêm thông tin về 38 đối tượng đầu nậu đất đai ở huyện Bình Chánh. Theo đó, hiện nay, Công an Bình Chánh đang củng cố hồ sơ, tham mưu UBND huyện Bình Chánh xử phạt hành chính các đối tượng trên, trước khi thực hiện các bước xử lý tiếp theo.

Cũng tại buổi họp báo, các phóng viên, nhà báo đặt câu hỏi liên quan đến Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ; các phương án sắp xếp địa chỉ nhà đất trên địa bàn TP; lộ trình thực hiện Đề án không tổ chức HĐND quận – phường; các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; quy trình cấp phép cho các chuyên gia vào TP làm việc; phương án chấn chỉnh và quản lý hoạt động tổ chức dạy hè trên địa bàn TP…

Chánh Văn Phòng UBND TP Hà Phước Thắng cảm ơn các trao đổi của phóng viên, nhà báo
Chánh Văn Phòng UBND TP Hà Phước Thắng cảm ơn các trao đổi của phóng viên, nhà báo

Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan đã trả lời, làm rõ những vấn đề cơ quan báo chí nêu, đồng thời đưa ra những giải pháp cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Kết thúc buổi họp báo, Chánh Văn Phòng UBND TP Hà Phước Thắng khẳng định: Từ những phản ánh, trao đổi của báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn TP sẽ có cơ sở để nắm bắt tốt hơn thông tin và điều chỉnh kịp thời hoạt động của mình, góp phần vào mục tiêu chung là phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương. 

Tin: Vân Anh, Ảnh: Khang Minh, Hoàng Hùng

Tin cùng chuyên mục