Phát hành hơn 30 nghìn tờ rơi, bản tin… tuyên truyền về phòng, chống mua bán người

17:43 01/07/2020

(HMC) – Theo Báo cáo số 160011/BC-SLĐTBXH của Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh về kết quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân 06 tháng đầu năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2020 trên địa bàn Thành phố cho hay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an TP đã xác minh 20 trường hợp công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú, trong đó tiếp nhận và thông báo về địa phương để phối hợp quản lý 14 đối tượng bị nước ngoài trục xuất. Qua xác minh chưa ghi nhận trường hợp nào là nạn nhân bị mua bán.

 Phát hành hơn 30 nghìn tờ rơi, bản tin… tuyên truyền về phòng, chống mua bán người

Bên cạnh đó, về công tác truyền thông và tập huấn, Sở đã phối hợp với các Sở - ngành, quận - huyện tổ chức được 2.142 buổi truyên truyền về Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan với 68.821 lượt người tham dự. Đồng thời phát hành 8.383 pano, áp phích, bảng điện tử và hơn 30 nghìn tờ rơi, bản tin…tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên địa bàn.

Nhằm thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP đã ban hành Kế hoạch số 5434 về việc triển khai thực hiện tiểu Đề án 2 “Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2020” thuộc Đề án 3 Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 -2020 trên địa bàn Thành phố và Văn bản số 7515 liên quan đến góp ý nội dung, mức chi hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về theo Thông tư số 84/2019/TT-BTC của Bộ Tài Chính.

Tuy nhiên, ngành Lao động Thương binh và Xã hội còn gặp một số khó khăn trong công tác hỗ trợ nạn nhân do một số nguyên nhân: Địa bàn Thành phố rộng, người dân nhập cư ngày càng tăng, tội phạm mua bán người lợi dụng làm nơi tập kết, trung chuyển nạn nhân mua bán trong nước hoặc bán ra nước ngoài với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi; Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người có nhiều diễn biến thức tạp thông qua các trang mạng xã hội như facebook, Wechat, Zalo..; Các nạn nhân không tự giác khai báo do còn mặc cảm, sợ kỳ thị, sợ bị trả thù.

Ngoài ra, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng là yếu tố khiến cho công tác tuyên truyền, tập huấn theo chương trình, kế hoạc đề ra chưa thực hiện được.

Trước tình hình tội phạm mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp với các thủ đoạn tinh vi, TP. Hồ Chí Minh - đầu mối giao thương của cả nước và quốc tế, là địa bàn tiềm ẩn rất lớn của tội phạm mua bán người. Trong 6 tháng cuối năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, giải pháp hiệu quả trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ tất cả các nạn nhân bị mua bán trở về, giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Khang Minh

Tin cùng chuyên mục