Chiều 16-7, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM có buổi gặp gỡ, trao đổi với báo chí về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Tham dự buổi gặp còn có đồng chí Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.
Từng người, từng nhà thực hiện nghiêm túc giãn cách
Trao đổi với báo chí, đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá sau 1 tuần thực hiện Chỉ thị 16, TPHCM đã đạt những kết quả khá tốt. Ý thức chấp hành, sự đồng thuận của người dân trong thực hiện Chỉ thị 16 rất cao, là nền tảng, cơ sở rất quan trọng để triển khai thuận lợi, đạt kết quả. Các công tác phòng, chống dịch được triển khai tập trung, bài bản, có hiệu quả hơn như từ xét nghiệm, tách F0 sớm khỏi cộng đồng đến cách ly, thu dung, điều trị và cả chuẩn bị tiêm vaccine đợt 5 tới đây. Theo đồng chí, đây là những kết quả bước đầu quan trọng, tạo được sự đồng tình cao, được khí thế, quán tính tốt cho 7 ngày tới.
“Chúng tôi tin rằng, với những khí thế này và điều chỉnh cần thiết, sự tập trung cao độ, 7 ngày tới sẽ đạt những kết quả toàn diện hơn, cao hơn và có thể đạt được mục tiêu đề ra khi thực hiện Chỉ thị 16”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh
Chia sẻ về những công việc thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM sẽ tập trung vào thực hiện quy định giãn cách, trong đó ý thức bà con rất quan trọng. Đồng chí nhấn mạnh: “Giãn cách, giãn cách, và giãn cách triệt để hơn, tránh tiếp xúc, hạn chế mầm bệnh lây lan trong cộng đồng. Chúng tôi rất mong muốn từng người, từng nhà, từng cộng đồng dân cư thực hiện cho nghiêm túc quy định giãn cách”.Đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ với những khó khăn, trở ngại trong đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của bà con và trân trọng trước sự đồng thuận, đồng lòng, tinh thần tương thân tương ái của đồng bào TPHCM; sự quan tâm hỗ trợ của cả nước hướng về TPHCM. Với biến chủng Delta rất phức tạp, đồng chí mong muốn người dân tìm hiểu, có hiểu biết đúng để có biện pháp phòng tránh phù hợp.
Một trong những nhiệm vụ TPHCM sẽ tập trung trong thời gian tới là xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Tập trung cho cách ly, thu dung điều trị F0, chuẩn bị tất cả nguồn lực điều trị F0 nặng và rất nặng để giảm tỷ lệ tử vong với các bệnh nhân Covid-19; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm vaccine đợt 5.
Về việc cách ly F1 tại nhà, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, ban đầu việc này thực hiện có phần lúng túng. Nhưng đến nay, từ chỗ e dè, làm chưa được nhiều, đến nay TPHCM đã mạnh dạn hơn, con số F1 cách ly tại nhà tăng lên. Tuy nhiên, với những trường hợp không đủ điều kiện thì vẫn phải cách ly tập trung.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân
Không để khủng hoảng thiếu hàng hóa
Về vấn đề cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho rằng đây là vấn đề rất lớn với đô thị có trên 10 triệu dân. Thời gian qua, TPHCM đã có sự chuẩn bị. Trong bối cảnh các tỉnh, thành xung quanh cũng thực hiện Chỉ thị 16, nên việc thu mua hàng hóa, vận chuyển về TPHCM có khó khăn và đôi lúc có thiếu cục bộ, giá cả một số mặt hàng có tăng lên, việc này là không tránh khỏi. Nhưng lãnh đạo TPHCM, các ngành chức năng cố gắng không để xảy ra tình trạng này nghiêm trọng hơn, không để xảy ra khủng hoảng thiếu hàng hóa.
Bưu cục thành điểm bán hàng lưu động
Các giải pháp được đưa ra là TPHCM đã bàn bạc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các tỉnh, thành để tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa về TPHCM. Đồng thời tổ chức lại các mạng lưới phân phối, không chỉ dựa vào các trụ cột chính như Co.opmart, Satra, Bách Hóa Xanh, Vinmart… mà còn huy động các hệ thống khác vào cuộc, như Viettel Post, VNPost hoặc các chuỗi cung ứng công nghiệp, thời trang trước đây nay có thể tham gia cung ứng nhu yếu phẩm. Tới đây, các quận huyện, xã phường cũng sẽ có điểm cung ứng hàng hóa.
“Bà con an tâm cùng TPHCM giải quyết vấn đề. Chứ nếu cùng lúc người dân cùng đổ ra mua hàng hóa dự trữ thì không hệ thống cung ứng nào có thể đáp ứng được”, đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ.
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi gặp gỡ, trao đổi với báo chí về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM xây dựng nhiều kịch bản
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, công tác phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM là một việc làm rất khó khăn, phức tạp. Trong thời gian qua, được sự đồng lòng chung sức, chung lòng của nhân dân, TPHCM đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, TPHCM chưa xác định được đến khi nào kiểm soát được dịch bệnh.
“Chúng ta cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, đặc biệt đó là sự đồng lòng chung sức, sự chấp hành nghiêm của mỗi người, mỗi nhà để phối hợp hành động cùng với TPHCM thực hiện các giải pháp đồng bộ, đạt được kết quả cao nhất”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, đến giờ này, số ca mắc Covid-19 hàng ngày đang tăng lên. Cho nên với số liệu hiện có, đến giờ này, TPHCM vẫn chưa xác định được khi nào là đỉnh dịch. TPHCM vẫn tiếp tục theo dõi để có dự báo tương đối. Hiện tại, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM và các cấp, cũng như hệ thống chính trị các cấp đang tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, triệt để Chỉ thị 16 để đạt được kết quả cao nhất.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TPHCM đón nhận người dân từ các địa phương khác đến học tập, sinh sống và làm việc. TPHCM xác định đây là lực lượng rất quan trọng đóng góp cho sự phát triển của TPHCM. Cho nên TPHCM xem đây là dân của TPHCM. Trong thời gian dịch xảy ra, TPHCM có trách nhiệm giúp đỡ, chăm sóc người dân trong lúc khó khăn. Do đó TPHCM không có chủ trương đưa người dân về các địa phương. Nhưng nếu người dân có nguyện vọng trở về và các địa phương đồng thuận thì TPHCM sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp tổ chức phương tiện chuyên chở và các thủ tục để người dân trở về địa phương an toàn.
Về 3 tình huống mà TPHCM đặt ra, đồng chí Phan Văn Mãi nêu ra tình huống thứ nhất là số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng giảm xuống, khu vực nguy cơ cao được thu hẹp, khu vực an toàn được mở rộng ra.TPHCM rất mong muốn có được tình huống thứ nhất trong thời gian tới. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, cho nên TPHCM đang tính đến khả năng tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm một khoảng thời gian nữa. “TPHCM cần phải có sự chuẩn bị cả về tâm lý cũng như các giải pháp để triển khai công tác phòng, chống dịch một cách chủ động, bình tĩnh và đạt kết quả trong thời gian tới”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Tình huống thứ 2, tỷ lệ ca mắc Covid - 19 tăng dần, các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ vẫn còn nhiều.
Tình huống thứ 3, số ca mắc Covid-19 tăng đột biến và có nhiều địa bàn thuộc nhóm nguy cơ rất cao hoặc không kiểm soát được sự lây lan trong cộng đồng. Đây là cách TPHCM tiếp cận ở 3 tình huống trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thanh Xuân cùng đoàn công tác số 10 do Thành ủy TPHCM phân công đã đi thăm hỏi, trao tặng thuốc thiết yếu cho người dân trong các khu cách ly. Ảnh: VĂN MINH
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc đối với các tình huống này, TPHCM giãn cách xã hội thế nào, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nêu ra các kịch bản cho 3 tình huống trên.
Cụ thể TPHCM đã xây dựng, chuẩn bị các kế hoạch cho 3 tình huống. Trong đó, TPHCM tiếp tục giãn cách xã hội thậm chí là phong tỏa ở rất nhiều địa bàn, hay là trên một diện rộng. Thứ hai, xét nghiệm tầm soát F0 một cách tập trung, trọng tâm ở những địa bàn trọng điểm.
Thứ ba là cách ly và điều trị, khi tình huống xấu hơn (tình huống 2 và 3), TPHCM sẽ tập trung tối đa cho năng lực điều trị.
“Bởi lúc này số ca mắc và ca bệnh nặng sẽ nhiều hơn, đặc biệt là số ca cần điều trị hồi sức để ngăn chặn tỷ lệ tử vong, cho nên TPHCM chuẩn bị các cơ sở thu dung, điều trị F0. Đặc biệt là các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng. TPHCM đã chuẩn bị 1.000, thậm chí tính đến tới 2.000 giường điều trị các ca nặng”, đồng chí Phan Văn Mãi nêu kịch bản.
Nhân đề cập đến trường hợp một doanh nghiệp ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) qua test nhanh ngày 15-7 phát hiện hơn 320 ca dương tính, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, phải thực sự đảm bảo an toàn thì mới tiếp tục sản xuất. Mục tiêu hàng đầu hiện nay là đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Theo đồng chí, vừa qua có một số trường hợp đăng ký sản xuất an toàn, có “3 tại chỗ”, nhưng ăn ở cũng chưa đảm bảo, sản xuất cũng chưa đảm bảo được khoảng cách. An toàn phải thực sự là an toàn ngay từ đầu vào, đảm bảo từ hai phía. Những doanh nghiệp thực sự muốn tiếp tục sản xuất thì phải cùng cơ quan chức năng ngồi lại tính toán các biện pháp để thực sự an toàn.
“Không phải trong một tuần mà có thể tới cuối năm nay hoặc đầu năm sau, cũng phải theo phương thức này. Bởi dịch dù có xuống nhưng vẫn còn nguy cơ lây nhiễm”, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.