Phòng chống dịch Covid-19: Không được “ngăn sông, cấm chợ” và đưa ra quy định quá khắt khe

13:46 11/09/2020

(HMC) – Cùng với trách nhiệm của ngành y tế, các cấp ủy chính quyền địa phương phải chú trọng tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho các sự kiện chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, các nhiệm vụ đối ngoại trên địa bàn quản lý. Sẵn sàng mọi điều kiện để thúc đẩy công tác thu hút đầu tư; không có “ngăn sông, cấm chợ” việc đi lại; không đưa ra các quy định quá khắt khe, không phù hợp thực tế.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ và các địa phương về công tác phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới được tổ chức vào sáng nay (11/9). Tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ - ngành và các địa phương.

Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu và các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố về phòng, chống Covid-19.

Thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế

Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến thời điểm này, nước ta ghi nhận 1.059 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 402 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước; trong số đó có 35 trường hợp tử vong là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng.

Việt Nam đã chữa khỏi cho 893 bệnh nhân bệnh nhân Covid-19. Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế có 16 ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; 13 ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 và 21 ca âm tính lần 3. Đặc biệt, hiện có 4 trường hợp tiên lượng rất nặng và tử vong (chiếm 3,3%), trong đó 3 trường hợp tiên lượng rất nặng và 1 trường hợp tiên lượng tử vong.

Về công tác xét nghiệm, từ ngày 23/7 đến ngay 08/9, thực hiện 625.431 xét nghiệm trong tổng số 1.063.656 xét nghiệm Realtime RT-PCR từ đầu dịch (chiếm 58,8%).

Cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về Covid-19 ngày 11/9. Ảnh: VGP
Cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về Covid-19 ngày 11/9. Ảnh: VGP

Theo Bộ Y tế, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ về “Mục tiêu kép”, chúng ta vừa chung sống an toàn với dịch bệnh, vừa phải mở cửa để đón chuyên gia, nhà đầu tư phục vụ phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và sẽ tiếp tục có các ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang xem xét việc mở lại đường bay quốc tế với các nước đã kiểm soát dịch bệnh tốt giống như Việt Nam.

Do đó, việc triển khai phương án thực hiện xét nghiệm nhanh (tìm kháng nguyên) ngay tại các cửa khẩu, sân bay, bệnh viện, sự kiện tập trung đông người… để sàng lọc, phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm bệnh, không để sót, để lọt ra cộng đồng, xâm nhập vào bệnh viện là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn. Tiếp tục quản lý chặt chẽ việc xuất nhập cảnh qua biên giới. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch trong tình hình mới…

Bộ Y tế cũng đề nghị các Bộ - ngành, đơn vị liên quan tạo điều kiện tối đa để thử nghiệm tất cả các loại test kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, sản xuất; và thực hiện thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn- khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.

Báo cáo về phương án đưa các chuyên gia, nhà đầu tư nhập cảnh vào Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 15/9 sẽ mở 4 đường bay từ Việt Nam đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Đến ngày 22/9 sẽ mở thêm hai đường bay đến Campuchia và Lào. Sẽ có khoảng 20.000 người nhập cảnh vào Việt Nam trong tháng 9 này.

Theo đó, khách lên máy bay phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày. Khách nhập cảnh vào Việt Nam sẽ cách ly tập trung từ 5-7 ngày. Trong thời gian này, khách sẽ được xét nghiệm PCR (phương pháp xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao) hai lần.

Người có kết quả âm tính sẽ tiếp tục được cách ly tại nhà hoặc tại doanh nghiệp, đơn vị trong thời gian đủ 14 ngày dưới sự giám sát của địa phương. Trong trường hợp khách có dấu hiệu nhiễm Covid-19, cơ quan chức năng sẽ đưa đi cách ly tập trung. Các chi phí cách ly, xét nghiệm do người nhập cảnh tự chi trả.

Đối với trường hợp khách quá cảnh vào nước thứ 3, nếu trong vòng 14 ngày có kết quả âm tính thì trước khi lên báy bay phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, đến ngày 10/9, hầu hết các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đều yêu cầu người nhập cảnh phải có giấy xét nghiệm không Dương tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh, cách ly 14 ngày và có thể 21 tại nhà hoặc cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh.

TP. Hồ Chí Minh: Nhân rộng mô hình “5+1”

Từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cho hay, 43 ngày qua TP không ghi nhận ca nhiễm mới. Hiện nay, TP đang tập trung nguồn lực để tiếp tục phòng chống, kiểm soát dịch hiệu quả, ổn định tâm lý của người dân; đồng thời triển khai gói hỗ trợ thứ 2 cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.

Mặt khác, TP đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và xác định đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế TP trong bối cảnh hiện nay.

Ngày 7/9, UBND TPHCM đã có văn bản cho phép các dịch vụ, sự kiện hoạt động bình thường trở lại nhưng quán triệt tinh thần không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh; tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu thông tin tại cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu thông tin tại cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai

Thành phố cũng đã tổ chức kiểm tra, xử phạt hơn 3.000 trường hợp và nhắc nhở hơn 2.000 trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Trong đợt dịch thứ 2, TP chú trọng chỉ đạo ngành y tế rà soát và tăng cường giám sát y tế các trường hợp có triệu chứng liên quan đến hô hấp tại các cơ sở y tế; tổ chức xét nghiệm cho các nhóm trường hợp có nguy cơ trong cộng đồng; hỗ trợ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc và cách ly y tế theo đúng quy định; rà soát và mở rộng các cơ sở cách ly có thu phí…

Đặc biệt, TP triển khai nhân rộng mô hình “5+1”, 5 hộ gia đình liền kề tạo thành 1 nhóm tự quản, trong đó có 01 nhóm trưởng để cùng nhau thực hiện các nội dung như giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tham gia các phong trào địa phương và phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả theo phương châm “Mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”.

Cuộc họp dành nhiều thời gian để nghe báo cáo tình hình từ các địa phương và trao đổi, thảo luận các ý kiến, đề xuất về giải pháp thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới của các Bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ trực tiếp chỉ đạo một số vấn đề quan trọng.

Tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Huyền Mai
Tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Huyền Mai

Không để tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam gây ra ổ dịch mới

Ghi nhận và biểu dương sự chủ động, nhịp nhàng, quyết liệt các Bộ - ngành, địa phương, nhất là TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam…trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như đẩy mạnh các biện pháp thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 9 ngày qua, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng; số người bệnh được chữa khỏi tăng lên hàng ngày. Bước đầu, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước. Nhờ đó, nhịp độ sản xuất kinh doanh hiện nay sôi động hơn.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ - ngành, địa phương tiếp tục đề cao cảnh giác, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa trong trạng thái bình thường mới được thiết lập theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Song song với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động trong giữ gìn sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trong tháng 9 sẽ mở một số đường bay thương mại, Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải quan tâm đặc biệt các biện pháp cách ly, xét nghiệm… một cách thuận lợi, không để tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam gây ra ổ dịch mới, thận trọng từng bước nhưng đừng quá khắt khe.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở lại các đường bay thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực; xem xét tổ chức chuyến bay riêng cho người quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Lào, Campuchia về Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao xem xét giải quyết các vấn đề liên quan đến việc nối lại các chuyến bay quốc tế, bao gồm việc lựa chọn nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn cảng hàng không tiếp nhận, quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly kinh tế phù hợp…

Bộ Y tế phối hợp với các Bộ - ngành khẩn trương phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới. Ảnh: VGP

Về công tác cách ly, Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố, Bộ GTVT, Bộ Tài chính rà soát và tiếp tục thực hiện cách ly có thu phí, bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu. Bộ Công an, chính quyền địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nơi cư trú. Dự kiến tần suất các chuyến bay sắp tới sẽ nhiều hơn, nhu cầu về địa điểm cách ly cũng tăng lên, vì vậy các địa phương phải có các phương án sẵn sàng.

Về vấn đề thu tiền xét nghiệm còn nhiều ý kiến khác nhau, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Y tế để xác định mức phù hợp, trình Chính phủ xem xét.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới; khuyến khích và vận động người dân tự nguyện cài đặt các phần mềm truy vết, phát hiện nhanh người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UBND các địa phương kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn hiệu quả, kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Các Bộ - ban - ngành, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục cho các chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, đảm bảo nhanh gọn, rõ ràng.

Đồng thời, các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân không mất cảnh giác đối với dịch bệnh nhưng vẫn tập trung phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất, sớm trình Chính phủ về thực hiện giai đoạn 2 của gói hỗ trợ an sinh, trong đó có việc kéo dài thời gian.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dự báo cho rằng ở khu vực ASEAN chỉ có Việt Nam tăng trưởng Dương. Đây là thử thách rất lớn. Vì vậy, hơn 3 tháng còn lại của năm 2020 rất quan trọng với Việt Nam, các cấp ngành, địa phương cần phát huy các kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, cùng nỗ lực, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục