Phòng dịch phù hợp, hạn chế bất lợi cho dân

07:35 06/02/2021

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo đảm khoanh vùng, cách ly, phong tỏa ở phạm vi gọn nhất, hạn chế tối đa các hoạt động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh.

Phòng dịch phù hợp, hạn chế bất lợi cho dân

Ngày 5/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh, thành phố quyết định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với mức nguy cơ của từng khu vực trên địa bàn, bảo đảm khoanh vùng, cách ly, phong tỏa ở phạm vi gọn nhất, hạn chế tối đa các hoạt động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán; có biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nhất là tại vùng có dịch, vùng bị phong tỏa. 

* Chiều cùng ngày, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất nhận định, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt từ Hải Dương, Quảng Ninh đến Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, TPHCM... 

Về việc kiểm soát đi lại của người dân tại những địa phương có dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Trên cơ sở đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khu vực ổ dịch và phong tỏa. Mọi người sinh sống trong khu vực phong tỏa sẽ “nội bất xuất ngoại bất nhập”, trừ trường hợp đặc biệt (bệnh nặng, cần cấp cứu) mới được ra khỏi khu vực phong tỏa và được kiểm soát chặt chẽ. Những người không sinh sống trong khu vực bị phong tỏa vẫn được đi lại bình thường, chỉ cần khai báo y tế và không phải bị cách ly (trừ khi là F1, F2). 

* Chiều 5/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp các trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. Các tổ chức này đang làm việc chặt chẽ với Bộ Y tế để lên kế hoạch tiêm chủng ở Việt Nam theo yêu cầu của Chương trình vaccine Covid-19 toàn cầu (COVAX).

* Cùng ngày, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 sở GD-ĐT sơ kết học kỳ 1 và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2020-2021 đối với giáo dục trung học. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, học kỳ 2 có khả năng diễn ra trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Do đó, sở GD-ĐT các tỉnh thành cần chỉ đạo các nhà trường kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch một cách tốt nhất. Song song đó, thực hiện tốt việc triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới vì khối giáo dục trung học, năm học 2021-2022 sẽ bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6. 

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng

Tin cùng chuyên mục