Quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TPHCM: Sát với thực tế

11:13 03/11/2020

Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội mạnh mẽ, lượng chất thải rắn (CTR) ở TPHCM phát sinh cũng không ngừng gia tăng. Để đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững, giữ vệ sinh môi trường và sử dụng có hiệu quả quỹ đất hiện có, đồng thời xây dựng một chiến lược lâu dài về phát triển cơ sở vật chất phục vụ công tác xử lý CTR, việc xây dựng Quy hoạch xử lý CTR trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.

Một nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Hiệp Phước, huyện Củ Chi. Ảnh: CAO THĂNG
Một nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Hiệp Phước, huyện Củ Chi. Ảnh: CAO THĂNG

Lồng ghép các giải pháp

Theo Sở TN-MT TPHCM, công tác xử lý CTR đã được chính quyền các cấp quan tâm nhưng vẫn còn một số tồn tại. CTR chưa được triển khai phân loại đồng bộ tại nguồn, gây áp lực lớn cho các cơ sở xử lý. Tổng khối lượng CTR sinh hoạt trên địa bàn thành phố là 9.000-9.500 tấn/ngày, trong đó đốt, compost, tái chế chiếm tỷ lệ khoảng 31% (2.900 tấn/ngày), còn lại là chôn lấp chiếm tỷ lệ 69% (6.500 tấn/ngày). Ngoài ra, thành phố cũng chưa có các cơ sở tái chế CTR quy mô lớn, việc phân loại và tái chế CTR thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình với khoảng 1.800 cơ sở thu mua và 10 nhà máy tái chế. Toàn thành phố có 2 khu liên hợp xử lý CTR (Đa Phước, Bình Chánh: 614ha; Phước Hiệp, Củ Chi: 687ha) và 2 bãi chôn lấp CTR đã đóng cửa (Đông Thạnh: 45ha, Gò Cát: 25ha). Nhìn chung, hệ thống cơ sở hạ tầng về tái chế, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải cần phải được tăng cường đầu tư để theo kịp tốc độ phát triển.

Theo nghiên cứu điều tra của Ngân hàng châu Á (ADB) dựa theo kịch bản phát thải cao đã đưa ra dự báo, 90% diện tích bãi chôn lấp chất thải tại Đa Phước có nguy cơ bị ngập. Hậu quả kéo theo sẽ là phát tán các chất ô nhiễm từ bãi chôn lấp ra môi trường xung quanh. Cũng do biến đổi khí hậu, mưa bão ngập lụt tăng cao, có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống quản lý CTR (bao gồm cả thu gom, vận chuyển, xử lý), giảm hiệu suất và tuổi thọ của công trình, thiết bị và phương tiện hoạt động. Do vậy, cần có giải pháp lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch xử lý CTR thành phố.

Thực hiện tốt phân loại CTR tại nguồn

Hiện nay, thành phố đang xây dựng đồ án Quy hoạch xử lý CTR, phấn đấu đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu: 80% hộ gia đình thực hiện phân loại CTR tại nguồn; 100% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó tối thiểu 80% tổng lượng CTR sinh hoạt được thu hồi, tái chế, làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng; 100% tổng lượng CTR công nghiệp nguy hại và không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý; 100% lượng CTR y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý; 90% tổng lượng CTR xây dựng phát sinh được thu gom xử lý, trong đó 60% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế; 100% bùn bể phốt, bùn thải của hệ thống cấp nước và thoát nước, bùn phát sinh từ các hệ thống xử lý nước thải sản xuất, bùn nạo vét kênh rạch được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Những kết quả đạt được trong giai đoạn này sẽ là tiền đề để thành phố tiếp tục phấn đấu cho những mục tiêu tiếp theo.

Đồ án quy hoạch xử lý CTR của thành phố đã chứa đựng toàn bộ nội dung và giải pháp tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, trung chuyển, tái chế và xử lý các loại CTR phát sinh trên địa bàn thành phố. Trong đó, xây dựng được các phương thức phân loại CTR tại nguồn và xác định lộ trình triển khai thực hiện phân loại CTR tại nguồn đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố. Quy hoạch hệ thống thu gom, vận chuyển, trung chuyển CTR cho các loại hình CTR khác nhau.

Quy hoạch được hệ thống các cơ sở xử lý CTR sinh hoạt, công nghiệp, y tế, xây dựng và bùn thải. Các công nghệ xử lý đề xuất lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; khả năng phân loại, tính chất, thành phần CTR của địa phương; lựa chọn các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, các công nghệ tái chế có sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ của mỗi địa phương. Đồng thời, đề xuất được hệ thống quản lý, cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý CTR; đề xuất được kế hoạch, lộ trình và xác định nguồn lực thực hiện quy hoạch xử lý CTR theo từng giai đoạn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồ án quy hoạch xử lý CTR sẽ là nền tảng, giải pháp tổng thể cho thành phố triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch hành động quản lý, xử lý các loại CTR giai đoạn từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2050.

Để thực hiện được chỉ tiêu giảm chôn lấp đến năm 2025 (khoảng 2.600 tấn/ngày rác chôn lấp trên tổng khối lượng phát sinh là 13.000 tấn/ngày), UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp cùng các sở ngành liên quan triển khai các nhóm giải pháp như: chuyển đổi công nghệ xử lý của các nhà máy xử lý rác hiện hữu; đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án đã có chủ trương của thành phố; thực hiện đấu thầu lựa chọn dự án xử lý rác mới trong thời gian tới. Thành phố cũng đang tiếp tục triển khai công tác đấu thầu lựa chọn dự án xử lý rác sinh hoạt mới với phương thức đầu tư thực hiện theo quy định về hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT) theo quy định của Chính phủ.

                                                                                               T. HÒA

MINH HẢI/SGGP

Tin cùng chuyên mục