Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại

09:26 17/04/2021

Ngày 16-4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TPHCM (gọi tắt là BCĐ 389 TPHCM). 

Hải quan TPHCM kiểm tra hàng nhập khẩu qua cảng. Ảnh: CAO THĂNG
Hải quan TPHCM kiểm tra hàng nhập khẩu qua cảng. Ảnh: CAO THĂNG

Giảm vụ việc, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi 

Theo BCĐ 389 TPHCM, số vụ việc kiểm tra giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng công tác kiểm tra, kiểm soát đã đi vào trọng tâm, trọng điểm tại các địa bàn nổi cộm, các kho tàng bến bãi, địa điểm tập kết với số lượng, giá trị hàng hóa lớn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận và hàng giả trên địa bàn TP. 

Nhận định công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn hạn chế, theo Thường trực BCĐ 389 TPHCM, nguyên nhân là: TPHCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển trong khi công tác quản lý địa bàn của lực lượng chức năng chưa theo kịp những diễn biến của đối tượng kinh doanh, nhóm mặt hàng, địa bàn trọng điểm để kịp thời kiểm tra, xử lý. Gian lận thương mại, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp, xuất hiện nhiều thủ đoạn gian lận mới, thậm chí thực phẩm cũng bị làm giả.

Đại diện Cục Quản lý thị trường TP lo ngại, gần đây lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tại TPHCM phát triển rất mạnh mẽ, bất cứ hàng hóa nào cũng có thể mua, bán qua mạng nhưng cơ quan này vẫn chưa tìm được các biện pháp hữu hiệu để quản lý, giám sát. Trong khi đó, số lượng các vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng về tình trạng đã trả tiền nhưng không nhận được hàng, nội dung quảng cáo không đúng với sản phẩm bán ra, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng… ngày càng gia tăng. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nêu thực tế khi phát hiện vụ việc vi phạm thì quá trình xử lý rất phức tạp do thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các bên. Do vậy, để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao nhất, thì cần xem lại cơ chế quản lý vận hành, quá trình kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.  

Xây dựng quy trình xử lý tang vật

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM Trương Văn Ba, Phó trưởng BCĐ 389 TPHCM, cho biết năm 2021, BCĐ tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm theo nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, phối hợp với các cơ quan báo, đài, các đoàn thể và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia đấu tranh, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đánh giá cao nỗ lực của các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, góp phần ổn định và phát triển thị trường; đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.  

Báo cáo của Thường trực BCĐ 389 TPHCM cho thấy, năm 2020, các sở ngành, lực lượng chức năng của TP đã phát hiện và xử lý 25.538 vụ việc, giảm 45,39% so với năm 2019. Trong đó, số vụ việc vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu là 2.769 vụ, giảm 30,3%; gian lận thương mại có 21.804 vụ, giảm 47,65%; hàng giả có 965 vụ, giảm 15,5%. Tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 5.437 tỷ đồng.

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành nói riêng và BCĐ 389 TPHCM nói chung, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng yêu cầu Thường trực BCĐ 389 TPHCM tổng hợp thành văn bản, nhất là các vấn đề chồng chéo, thiếu thống nhất và chưa đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ, ngành đã ban hành. Trên cơ sở này, UBND TP sẽ kiến nghị để tháo gỡ, không để cho các đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp lý để hoạt động trái phép. TPHCM cũng sẽ nghiên cứu, nếu cần thiết sẽ ban hành quy chế, quy trình phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình kiểm tra, xử lý các vụ việc. Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài sẽ là nguy cơ, thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước và đời sống của nhân dân. Do vậy, đồng chí Phan Thị Thắng cho rằng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực và quyết liệt hơn. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn, lĩnh vực xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021.

Đồng chí Phan Thị Thắng giao BCĐ 389 TPHCM và Sở Tài chính có kế hoạch bố trí thêm các kho chứa trữ, có phương án xử lý tang vật nhanh, chính xác và hiệu quả. Về lâu dài, các bên cần ngồi lại với nhau để soạn thảo quy trình hướng dẫn xử lý tang vật, trong đó có quy định cụ thể thời gian xử lý để giải phóng nhanh số lượng hàng lưu kho, tránh tình trạng ùn ứ, tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ hiệu quả.

THÚY HẢI/SGGP

Tin cùng chuyên mục