Theo Sở Du lịch TPHCM, các hạng mục tại khu du lịch đều là nét văn hóa thấm sâu hồn cốt, với đầy đủ các không gian từ đồng bằng Bắc bộ đến miền Trung Tây Nguyên, miền Tây sông nước.
Khu du lịch Một thoáng Việt Nam được xây dựng trên khu đất rộng 20ha, trước đây là vùng đất bưng biền đầy những hố bom, sình lầy, với số vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng; chính thức hoàn thành và ra mắt ngày mùng một Tết Nguyên đán Canh Dần 2010.
Không gian Khu du lịch Một thoáng Việt Nam
Nơi đây tái hiện một đất nước Việt Nam với những gì thực sự đặc sắc, độc đáo, vừa hiện đại nhưng cũng rất gần gũi, thân thiện…
Bà Trần Thị Tuyết Nga, Tổng Giám đốc Khu du lịch Một Thoáng Việt Nam trao đổi thông tin với báo chí ngày 16-1
Từng hạng mục của khu du lịch đều kể một câu chuyện đi sâu về cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của người dân, vừa quen vừa lạ, đa dạng dạng đa chiều.
Chẳng hạn như Đồi trứng kể câu chuyện về cội nguồn dân tộc “Lạc Long Quân và Âu Cơ”; Cột cờ và quả trứng lớn được đắp bằng đất thiêng từ các tỉnh thành trên cả nước; Thác Bản Giốc hùng vĩ, tráng lệ với thế giới kỳ hoa dị thảo; Nhà rông Tây Nguyên với những cây nêu, đàn T’rưng, bụi dã quỳ, bụi le, những luống cà đắng, lá é… đều được mang trực tiếp từ Tây Nguyên về đây.
Du khách tham quan khu du lịch ngày 16/1
Bà Trần Thị Tuyết Nga, Tổng Giám đốc Khu du lịch Một thoáng Việt Nam cho biết, ý tưởng thành lập khu du lịch được bà khởi xướng khoảng 30 năm trước. Nơi đây cũng giới thiệu, đưa vào hoạt động hàng chục làng nghề phân bố dọc khắp các vùng miền đất nước, như: nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải; nghề đan lát; nghề làm giấy dó...
"Chúng tôi mong muốn truyền tải thông điệp về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhất là văn hóa lịch sử quê hương đến với lớp trẻ Việt Nam. Thêm nữa, thông qua khu du lịch, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần quảng bá nhiều hơn nữa vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới", bà Trần Thị Tuyết Nga nhấn mạnh.