Đại biểu Quốc hội là nhân tố then chốt
Một là, quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, kế thừa, phát huy các thành tựu, bài học kinh nghiệm của hơn 70 năm Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa XIV tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Ba là, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, thân dân; lắng nghe nhân dân, phục vụ nhân dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà nhân dân ủy thác.
Bốn là, đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm, là nhân tố then chốt quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đại biểu đã góp phần quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Năm là, coi trọng, phát huy thế mạnh đặc thù hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước.
Sáu là, mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan, tổ chức hữu quan được coi trọng, tăng cường, tạo sự chủ động, thống nhất, kịp thời trong triển khai công việc, đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Gửi thông điệp đến Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, Quốc hội khoá XV sẽ hoạt động trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
“Với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội trong nhiệm kỳ tới là rất nặng nề”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ.
Trên cơ sở kết quả hoạt động cùng những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XIV kiến nghị Quốc hội khóa XV và các khóa tiếp theo một số vấn đề về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội cũng như về tổ chức, phương thức hoạt động và mối quan hệ công tác của Quốc hội.
Thực hiện nghiêm túc hình thức “dùng một luật sửa nhiều luật”
Trong đó, Quốc hội khoá XIV đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động lập pháp, nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các đạo luật; nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ, theo sát cơ quan soạn thảo trong việc xây dựng các dự án, dự thảo. Kiên quyết không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn; không bố trí vào chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội những dự án, dự thảo được đề nghị bổ sung sát phiên họp, kỳ họp; hạn chế tối đa việc xem xét, cho ý kiến về nội dung đồng thời với việc quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: QUANG PHÚC
“Việc áp dụng hình thức một văn bản quy phạm pháp luật sửa nhiều văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện nghiêm túc theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội chú trọng việc trình Quốc hội biểu quyết những vấn đề quan trọng, vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án, dự thảo tại kỳ họp cho ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.
Ở mảng công tác quan trọng thứ 3 - quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội khoá XV được đề nghị xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra; quy định rõ hơn việc phân công, phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra các báo cáo, dự án; quy định trách nhiệm tổ chức, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng; tăng cường việc cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu Quốc hội làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định.
Đồng thời, cần nâng cao tính pháp lý và tính độc lập của Hội đồng thẩm định nhà nước trong việc thẩm định các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Hoạt động giám sát được xác định sẽ tiếp tục là khâu trọng tâm, là “mũi nhọn” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Quốc hội khoá XIV mong muốn những người kế nhiệm tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn. Nghị quyết về giám sát, chất vấn cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đồng bộ xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử
Về tổ chức, phương thức hoạt động và mối quan hệ công tác của Quốc hội, lời “gửi gắm” quan trọng là tiếp tục hoàn thiện các quy định về chế độ và các điều kiện bảo đảm để đại biểu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu, đồng thời có cơ chế thích hợp để đánh giá kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu làm cơ sở để cử tri giám sát hoạt động của đại biểu; xem xét ban hành quy định về trình tự, thủ tục việc cử tri thực hiện quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Có giải pháp bảo đảm số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách theo quy định (ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội), tạo lực lượng nòng cốt trong triển khai các hoạt động của Quốc hội.
Một lưu ý quan trọng khác là tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp; tạo điều kiện thuận lợi hơn để đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu kiêm nhiệm có thể tham gia thảo luận, tranh luận, cho ý kiến, biểu quyết, thông qua. Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện Quốc hội điện tử, hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đồng bộ xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao; mặt khác, tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về Quốc hội.
Trong hoạt động tiếp xúc cử tri, Quốc hội khoá XV được đề nghị tăng cường tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng. Đặc biệt, cần có chế tài đủ mạnh để buộc các cơ quan có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri đúng thời hạn.
Về bộ máy tham mưu, giúp việc và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động, lời “dặn dò” gửi đến Quốc hội khoá XV là có cơ chế phù hợp để thu hút các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu về các lĩnh vực; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, điều kiện bảo đảm phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội…