“Liều thuốc” trợ lực cho hơn 700.000 doanh nghiệp
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với tổng giá trị ước tính lên đến 180.000 tỉ đồng. Có tới 98% doanh nghiệp cả nước, tương đương hơn 700.000 đơn vị, được hưởng chính sách ưu đãi này.
Theo báo Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng nghị định như một liều thuốc trợ lực, giúp cho doanh nghiệp (DN) và người dân có tiền để cầm cự qua mùa dịch. Tuy nhiên, cần có những chính sách mạnh và kịp thời hơn nữa.
Nghị định nêu rõ Chính phủ gia hạn 5 tháng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh trong tháng 3, 4, 5 và 6-2020. Với thuế thu nhập DN, các DN được chậm nộp 5 tháng số tiền thuế còn phải nộp của kỳ tính thuế năm 2019 và số thuế tạm nộp quý 1 và 2-2020. Nếu đã nộp số thuế còn phải nộp theo quyết toán năm 2019, DN sẽ được bù trừ cho tiền thuế của các khoản thuế khác.
Đặc biệt, Chính phủ còn gia hạn tiền thuế thu nhập cá nhân và thuế GTGT năm 2020 cho hộ gia đình và cá nhân kinh doanh. Theo đó, hạn cuối hộ gia đình và cá nhân kinh doanh phải nộp hai sắc thuế này là ngày 31-12 năm nay.
một lãnh đạo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết thủ tục được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất rất đơn giản. Mẫu giấy đề nghị gia hạn đã có sẵn trong phụ lục nghị định này. "Chỉ cần kê khai thông tin vào giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất rồi gửi bằng điện tử hoặc các phương thức khác cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp", vị này nói.
Cũng theo vị này, người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm với đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất. Giấy đề nghị gia hạn phải được gửi cùng với nộp hồ sơ khai thuế theo tháng hoặc theo quý, hoặc chậm nhất là ngày 30-7 năm nay. Sau thời hạn này sẽ không được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.
"Nhưng nếu không thuộc đối tượng được hưởng chính sách này mà vẫn gửi đơn đề nghị gia hạn thuế, khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra và phát hiện, đối tượng vi phạm không những phải nộp tiền thuế, tiền thuê đất mà còn bị buộc nộp thêm tiền phạt và tiền chậm nộp", vị này khuyến cáo.
Sớm hình thành các kịch bản để “vực dậy” nền kinh tế
Theo TTXVN, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương tổ chức sáng ngày 10/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, tác động của dịch COVID-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới; trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong khi quá trình cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, năng lực nội tại, tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các doanh nghiệp trong nước trước những biến động của thế giới còn hạn chế, tác động của dịch COVID-19 là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế... Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay. Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là thách thức khó có thể đạt được.
Để hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với các doanh nghiệp ngay trong lúc dịch còn đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới các đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong đó, kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dự thảo Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ theo thẩm quyền thực hiện ngay các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, thực hiện kế hoạch; tiếp tục giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất… Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thương mại trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan trung ương giải quyết nhập cảnh cho chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật...theo đúng quy định. Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế: nâng mức giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước…; cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng đến hết Quý II/2020.
Cùng với đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công được nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Do tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương chưa thể tổ chức họp Hội đồng nhân dân được nên thủ tục đầu tư một số dự án chưa hoàn thành và chưa thể giao vốn triển khai được. Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho các dự án, phấn đấu hoàn thành trước 15/5/2020.
Bộ trưởng Dũng cho hay, số vốn thuộc các kế hoạch trước đây được chuyển nguồn thực hiện, giải ngân trong năm 2020 là rất lớn, gần 700 nghìn tỷ đồng. Do vậy, Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19 nhằm có khối lượng thi công lớn để làm thủ tục giải ngân.
Dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.
Do đó, “cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…
Bên cạnh đó, hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Mặt khác, tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.